Là vùng đất còn hoang sơ, xã Thái Thịnh thuộc thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) có nhiều hộ dân sống ven bờ sông Đà, tuy nhiên người dân ở đây không quen dùng nhà vệ sinh mà phóng uế thẳng xuống sông khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Xã Thái Thịnh sau đó đã đăng ký tham gia chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ đăng ký thực hiện tiêu chí cải tạo, vệ sinh môi trường.
Là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị Đinh Thị Kim Dung đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân ven lòng hồ sông Đà tầm quan trọng của công tác giữ gìn vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để bảo vệ nguồn nước sông Đà, chị Dung đã tích cực vận động các hộ dân xây nhà vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường.
“Đa số các hộ sống ven sông đều khó khăn, mức thu nhập thấp nên khi vận động xây dựng nhà vệ sinh họ sợ tốn tiền. Nhiều người còn cho rằng không cần thiết phải xây nhà vệ sinh vì bao đời nay đã sống quen như vậy", chị Dung chia sẻ khó khăn. Không nản lòng, hàng ngày chị chèo thuyền nan, trèo đèo hay lội bộ qua những con suối để đi thực tế tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình.
Tuy nhiên, việc đi thực tế cũng không hề dễ dàng vì người dân đều là lao động tự do, thường ngày họ đi làm hết nên rất khó khăn để gặp. Có những gia đình nằm cách xa trung tâm xã nhưng chị Dung phải đi 3-4 lần mới gặp, sau đó còn khó khăn trong việc vận động.
Mặc dù tốn nhiều thời gia và công sức nhưng khi một vài nhà vệ sinh đầu tiên được xây xong, những hộ liền kề cũng dần dần thay đổi nhận thức của mình. Tuy nhiên, giao thông đi lại khó khăn, nguyên vật liệu phải vận chuyển qua sông, qua đò rồi lại khuân vác qua núi mới đến được các gia đình khiến cho giá nguyên vật liệu tăng cao, nhiều hộ không có nhân lực lại khó khăn càng không có khả năng xây nhà vệ sinh mới.

Nhiều công trình nhà vệ sinh được xây để đảm bảo vệ sinh cho nguồn nước sông Đà.
Thấy vậy, chị Dung đứng ra kêu gọi các ban, ngành phối hợp tổ chức 60 ngày công vận chuyển nguyên vật liệu, xây nhà vệ sinh cho các hộ nghèo, cận nghèo không có sức lao động, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, UBND TP Hòa Bình và Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi hộ dân khi xây nhà vệ sinh.
Sau hơn 2 tháng tích cực vận động, xã Thái Thịnh không chỉ đạt chỉ tiêu mà còn có tỷ lệ nhà vệ sinh tăng cao nhất (30,08%) trong 13 xã tham gia dự án. Hiện có 75% hộ gia đình trong xã tham gia xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đặc biệt, các chị em phụ nữ trong xã đã bắt đầu có suy nghĩ tiến bộ hơn trong việc giữ gìn môi trường để bảo vệ sức khỏe cá nhân và gia đình.
Sinh ra trong một gia đình đông con, bố mất sớm khi vừa tròn 6 tuổi, nên từ nhỏ chị Dung đã tự học cách chăm sóc bản thân và 3 em nhỏ để đỡ đần phần nào những vất vả cho mẹ. Lên 10 tuổi, chị bắt đầu đi học xa nhà, phải làm thêm nhiều việc để tự trang trải cho việc học.
Lớn lên từ cảnh cơ hàn, sau khi lập gia đình, về công tác tại xã nhà, nhận thấy nhiều chị em sống phụ thuộc vào gia đình, chưa đủ tự tin để tự lập trong cuộc sống, đặc biệt là về kinh tế, chị Dung ôm ấp hy vọng giúp các chị em thay đổi nhận thức, sống tự tin hơn.

Chị Dung (ngồi vị trí thứ 2, bên phải qua) trong lớp hướng dẫn đan rọ cho các chị em trong Hội phụ nữ.
Với đặc thù là một xã có nghề truyền thống đánh bắt tôm cá tự nhiên trên sông hồ, chị Dung nảy ra ý tưởng mở các lớp dạy nghề đan rọ tôm để chị em có thể đánh bắt, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên. Nhờ sự hướng dẫn tận tình này, nhiều chị em trong vùng đã có thêm nghề mới, cải thiện thu nhập.
Với những đóng góp của mình, chị Dung đã trở thành hình mẫu “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” trong đợt bình chọn và khen thưởng tại Hà Nội vào ngày 08/3/. Giải thưởng do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Công ty P&G - nhãn hàng Ariel và Saigon Coop tổ chức.
Ngọc Anh