Jasmine, phục vụ một quán cà phê ở Paris và anh họ Samir làm nghề pha chế rượu, đang nói chuyện với nhau phía sau quầy bar thì tiếng đạn xé tai vang lên hôm 13/11, theo Mirror.
"Lúc đầu, tôi cứ tưởng là bọn trẻ con đang chơi trò gì đó bên ngoài. Rồi chúng tôi nghe thấy một tiếng ồn khác, cửa sổ vỡ tung, đạn bay vèo vèo. Tôi chỉ có thể nằm xuống, cố trốn, cầu nguyện chuyện này chấm dứt", Jasmine nói.
"Tôi nghĩ là mọi chuyện diễn ra trong 10 hay 20 giây gì đó, nhưng đối với chúng tôi, cảm giác cứ như 1-2 phút".
Salah Abdeslam, 26 tuổi, người Bỉ, được xác định là kẻ nã súng vào quán cà phê. Hắn đã bỏ trốn lên một ôtô chờ sẵn, sau khi cố giết một phụ nữ nhưng bất thành vì súng kẹt đạn.
"Anh họ tôi chạy ra cầu thang xuống tầng hầm. Còn tôi, thấy một phụ nữ bị thương, Lucille, đang chạy tới chỗ mình. Tôi muốn bảo vệ cô ấy. Cô ấy bị thương, cánh tay bị bắn thủng", Jasmine giải thích tại sao không chạy xuống tầng hầm cùng Samir.
"Cô ấy khóc và nói rằng, bạn trai đang ở bên ngoài. Nói thật, tôi cứ tưởng là anh ta chết rồi cơ (anh này vẫn sống). Tôi biết rằng cô ấy đang hoảng sợ, và bị thương, nên tôi sẽ không chạy đi mà bỏ rơi cô ấy".
"Cô ấy trông khoảng 25 tuổi, đang bị mất máu. Khi đỡ cô ấy xuống tầng hầm, cô ấy nói rằng tay đã mất cảm giác".
Sau khi đưa cô gái bị thương và những khách hàng khác xuống hầm an toàn, Jasmine quay lên, chạy ra ngoài xem còn giúp được ai nữa không.
"Tôi ra ngoài nhưng quá muộn, họ đều bị bắn. Một phụ nữ đang hấp hối, còn ba người khác đã chết. Người đang hấp hối là một cô gái trẻ, tôi thấy cô ấy nhìn mình. Tôi nắm chặt tay cô ấy, trong một hay hai giây, rồi cô ấy qua đời".
"Tôi quay đầu lại, một chàng trai nằm đó. Lúc đầu, tôi cứ tưởng anh ấy chỉ bị thương nhẹ, nhưng anh ấy không thở nữa. Một cảnh sát từng nói với tôi, nếu có ai đó bị thương, hãy hỏi tên người đó, rồi gọi tên họ, nhưng tôi không biết tên bất kỳ ai trong số họ", Jasmine kể lại.
"Tôi cứ chạy qua người này đến người khác, xem có giúp gì được không, nói chuyện với họ, nhưng anh ấy đã chết. Tôi hỏi anh ấy: 'Anh ổn chứ? Có nghe thấy tôi nói không?'"
"Đương nhiên là không, vì anh ấy đã chết. Anh ấy bị mất ngón tay, nhưng bàn tay dường như vẫn còn run rẩy", Jasmine nói, vẫn còn bị ám ảnh bởi ánh nhìn trống rỗng trong đôi mắt những người thiệt mạng.
Aissa Feredj, người bán hoa đối diện quán cà phê, nói rằng Jasmine mới làm việc ở quán được một tháng, và là người đầu tiên chạy đến hiện trường.
"Cô ấy rất dũng cảm. Cô ấy là người đầu tiên chạy ra khỏi quán, lao ra đường, nhìn thấy một phụ nữ nằm gục bên quán cà phê ngay cạnh, an ủi: 'Đừng lo, đừng hoảng sợ'. Rồi, cô ấy lại chạy tới chỗ một cô gái khác, cho đến khi người ấy trút hơi thở cuối cùng".
"Tôi thà mất mạng, còn hơn để ai đó phải chết mà không người đưa tiễn", Jasmine nói. Cô khẳng định, mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc Morocco, nhưng là người Paris chính hiệu.
"Chuyện tồi tệ xảy đến với tôi, với đất nước này, và tôi chưa bao giờ cảm thấy mình ràng buộc chặt chẽ với quê hương hơn lúc này. Những người đó chết, chỉ vì muốn nghe nhạc, uống bia với bạn bè, hoặc chỉ vì chọn nhầm đường. Chúng tôi đều khóc thương cho những người thiệt mạng".
Vụ xả súng vào quán cà phê của Jasmine là một trong chuỗi vụ tấn công khủng bố Paris hôm 13/11, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng, và hàng trăm người bị thương. Nước Pháp bàng hoàng trước cuộc tấn công, tổng thống Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp, trong khi cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm truy lùng thủ phạm.
Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm vụ việc. Trong cuộc bố ráp ngoại ô Paris sáng 18/11, cảnh sát Pháp đã tiêu diệt Abdel Hamid Abaaoud, kẻ chủ mưu trong vụ tấn công Paris, tuy nhiên, vẫn còn ít nhất hai đồng phạm của tên này đang bỏ trốn, trong đó có Abdeslam.
Xem thêm: Cuộc sống phóng túng của kẻ đánh bom Paris.
Hồng Hạnh