Giáo sư Lưu Lệ Hằng, thường gọi là Jane X.Luu, sinh năm 1963, người Mỹ gốc Việt, di cư đến Mỹ năm 1975. Khi trưởng thành, bà công tác tại khoa Thiên văn - Viện đại học Harvard và phòng thí nghiệm Lincoin -Viện Công nghệ Massachusetts Mỹ. Năm 27 tuổi nhận bằng tiến sỹ và giảng dạy tại Đại học Harvard rồi Đại học Leiden (Hà Lan).
Năm 1991, bà được Hội Thiên văn Mỹ trao tặng giải thưởng AnnieJ.Cannon về Thiên văn học, để ghi nhận công lao của bà trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, người ta lấy tên bà đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu. Năm 2012, bà được nhận hai giải thưởng khoa học cao quý nhất trong lĩnh vực thiên văn học: Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli.
Giáo sư Lưu Lệ Hằng trở về Việt Nam lần thứ hai để tham gia hội thảo Khoa học Quốc tế Vật lý hè năm 2015 tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) do Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức. Bà có buổi nói chuyện với những người yêu thích khoa học, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê thiên văn học chiều 21/7.
Buổi trò chuyện chuyên đề "Cách nhìn mới về Hệ Mặt Trời và những khám phá thiên văn học trong lĩnh vực liên quan". Giáo sư đã giải đáp những thắc mắc của đông đảo quần chúng yêu khoa học về Hệ Mặt Trời và Vành đai Kuiper.
Vành đai Kuiper là tập hợp quần thể các tiểu hành tinh của Hệ Mặt Trời, trải từ phạm vi quỹ đạo của Hải Vương tinh (khoảng 30 Đơn vị Thiên văn (AU)) đến 44 AU từ phía Mặt Trời. Khám phá ra Vành đai Kuiper làm thay đổi cách nhìn về Hệ Mặt Trời.
Với những người yêu thích lĩnh vực thiên văn học nhưng không có điều kiện theo đuổi, giáo sư động viên hãy cứ thử sức, làm hết mình.
"Nghiên cứu khoa học không bao giờ là muộn," nữ giáo sư gốc Việt nói.
Bà Hằng chia sẻ, mỗi người khi theo đuổi đam mê khoa học thường được hạnh phúc mỗi khi khám phá những điều mới mẻ. Nhưng đi kèm với niềm say mê phải là sự nghiêm túc, cẩn thận, bởi khoa học đòi hỏi tính chính xác.
"Làm khoa học phải luôn để đầu óc rộng mở, không nên gò bó. Kiên nhẫn, đam mê, nghĩ thường xuyên đến điều mình mong muốn. Ở bất cứ công việc gì, các bạn đều phải chăm chỉ, cố gắng hết sức và đôi khi một chút may mắn. Dám nghĩ, dám làm, các bạn còn thành công hơn Lưu Lệ Hằng hôm nay", bà nói.
Nói về những khó khăn khi nghiên cứu khoa học với tư cách là phụ nữ, bà Hằng không cho rằng giới tính là rào cản đối với người nghiên cứu. "Nghiên cứu khoa học hay làm bất cứ công việc gì cũng sẽ gặp khó khăn", bà nói. "Với tôi, khó khăn lớn nhất trong quá trình theo đuổi đam mê khoa học là cố gắng thuyết phục mọi người nghiêm túc, xem xét, đánh giá tốt hơn về những thành tựu khoa học mà tôi đã làm."
Phương Thảo