![]() |
NSƯT Xuân Hinh. |
- Có lẽ anh có nhiều tiếng cười nên trông còn rất trẻ trung. Phải chăng cuộc đời của anh cũng vui như thế?
- Đời tôi khổ, chắc có lẽ hiếm nghệ sĩ nào khổ như tôi. Cho nên, là nghệ sĩ hài nhưng tôi thích đóng bi. Tôi nhớ mãi cảnh mẹ tôi vớt được ít bèo, phải gánh bộ mất 3-4 cây số mới bán được 400 đồng, nhưng lại dúi cho tôi 2.000 đồng.
- Những lúc buồn như thế, anh chia sẻ với ai?
- Mình khổ thì một mình mình biết, chưa bao giờ dám than với gia đình một tiếng, để mẹ khỏi buồn. Người già nhịn ăn 5 ngày không chết nhưng chỉ cần suy nghĩ một ngày là có thể "đi". Nhà mẹ tôi chỉ có dưa cà nhưng đủ sống, mẹ đâu cần báo hiếu gì ghê gớm, miễn là đừng để người già nghĩ ngợi. Tôi cứ diễn cho bà cười, bà khoẻ là được.
- Có người cho rằng cái hài của Xuân Hinh khiến người ta nghĩ đến cái tục?
- Sân khấu là văn, mà văn là cái hay, cái đẹp nhưng cũng phải tươi vui dí dỏm. Nếu cho là tục, tôi nghĩ không bằng ông bà mình ngày xưa. Khi diễn, tôi rất tỉnh chứ đâu có say, tỉnh để biết mình là mình. Tục là ở đằng kịch bản, ở tác giả. Còn tôi là nghệ sĩ, tôi chỉ muốn diễn cho hay mà thôi. Trên sân khấu, nghệ sĩ thường có máu lãng đãng, thăng hoa, nhưng với tôi mọi thứ đều có giới hạn.
- Vì sao một hề chèo như anh, từng nhận nhiều huy chương vàng trong các liên hoan sân khấu toàn quốc lại chỉ nhận mình là “tiếng cười bình dân”?
- Tiếng cười hay nghệ thuật cũng là hàng hóa. Hàng hóa không bán được thì cũng giống như tiếng cười sâu sắc mà không có khán giả, như thế hàng hóa đó để làm gì. Tôi sinh ra ở vùng nông thôn Kinh Bắc, biết chèo thuyền, quăng chài, đánh cá. Tôi biết tát khau sòng, khau đôi rất giỏi, lại biết nhổ mạ cày cấy như bất cứ nông dân nghèo khổ nào. Cho nên, dù có mặc đồ Tây, đi Tây, tôi vẫn là Xuân Hinh - nghệ sĩ hài của nông dân cực khổ.
- Là hề chèo nhưng anh lại "lấn" sang sân khấu kịch và những các lĩnh vực khác. Có phải chiếu chèo đã chật với anh?
- Tôi vẫn diễn chèo nhưng cũng muốn thử sức mình ở nhiều lĩnh vực. Tôi từng thử nghề buôn và nhiều nghề khác, nhưng cuối cùng vẫn trở về với nghệ thuật. Tôi yêu tiếng chèo và những làn điệu dân ca, đến chết cũng không bỏ đi được.
- Anh thường lấy tiếng cười để nói lên nỗi lòng của những kiếp người chịu khổ và nín nhịn. Có khi nào tiếng cười là "vũ khí" giúp anh lấy lại thế cân bằng với vợ không?
- Tôi có may mắn lấy được cô vợ đúng như mong muốn, vợ chồng tôi rất tâm đầu ý hợp. Hơn 10 năm lấy nhau, tôi chưa hề phải sử dụng phương pháp sân khấu trong gia đình. Tôi có hai con, một đứa 9 tuổi, một đứa 4 tuổi. Tôi dạy bọn trẻ những phong tục ở quê như thắp hương lạy tổ tiên, ông bà.
(Theo Thanh Niên)