Xuất hiện ở buổi họp báo giới thiệu bộ phim Về nhà đi con, NSƯT Trung Anh giữ vẻ trầm lặng. Vóc người cao gầy, dáng đi hơi gù, cộng với gương mặt nhiều nếp nhăn, anh toát lên nét hiền lành, khắc khổ. Trung Anh nói "nhìn tôi là thấy long đong" nên các đạo diễn thường chọn vào những vai có số phận đặc biệt. Anh tâm sự trên phim, anh thường khóc rất nhiều nhưng ngoài đời, nghệ sĩ là người cứng rắn, kiên định, hiếm khi rơi nước mắt. "Có lẽ, hết thảy nước mắt của tôi đã dồn vào những tháng ngày thơ bé", nghệ sĩ hồi tưởng.
Sinh năm 1961 ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, tuổi thơ của Trung Anh là những tháng ngày đội mũ rơm tránh bom đạn chiến tranh. Năm anh lên bảy tuổi, một đêm, máy bay B52 của Mỹ thả bom xuống làng. Trung Anh may mắn sống sót vì ngủ dưới hầm nhưng trận bom đã cướp đi mạng sống của mẹ, dì và chị gái anh. Thời loạn lạc, vì không thể liên lạc với bố, Trung Anh khi ấy cùng họ hàng làm đám tang cho người thân. Xong xuôi, anh cùng bác khăn gói ra Hà Nội tìm bố. Anh ra đi vào mùa nước sông La dâng cao.
Khi mới bước lên thuyền, thuyền lật, anh suýt chết đuối. Sau đó, anh cùng bác đi bộ ròng rã nhiều ngày. Trung Anh không nhớ chính xác đi bao nhiêu ngày mới đến Hà Nội, chỉ nhớ đó là một quãng đường đầy rẫy khó khăn với những ngày ăn nhờ ở đậu hoặc vạ vật ven đường. Những mất mát ám ảnh anh nhiều năm, tạo nên một Trung Anh trầm lặng, khép kín, ít giao du, tụ tập. Ở cùng bố, anh ít tâm sự với ông mà chủ yếu làm bạn với sách vở.
Hạnh phúc đến với Trung Anh muộn mằn. Anh thường đùa mình "ham chơi, yêu nghệ thuật" nên kết hôn muộn, thế nhưng "chậm lại chắc". Năm 37 tuổi, anh đến với chị Hiếu - người phụ nữ làm nghề kế toán, kém anh 10 tuổi. Sống cùng khu phố, chị lại là fan của anh nên khi về chung một nhà, chị dễ dàng hiểu và thông cảm cho công việc của chồng. Vợ nghệ sĩ Trung Anh cho biết hai người "tận dụng triệt để quy luật bù trừ để hòa hợp với đối phương". "Chồng cao, tôi thấp, chồng gầy, tôi béo, chồng nói ít, tôi nói nhiều. Khi ở bên nhau, chúng tôi cảm thấy dễ chịu", chị Hiếu nhận xét về nửa kia của mình.
Làm công việc liên quan đến tiền tệ nhưng vợ nghệ sĩ Trung Anh am hiểu về phim ảnh, kịch nói. Diễn viên gọi vợ là bạn tâm giao, cùng anh chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc trong gia đình. Đến nay, chị vẫn giữ thói quen xem tất cả phim chồng đóng.
Anh thường xuyên vắng nhà nên chị đảm nhiệm việc "tề gia nội trợ", chăm lo con cái. Con trai anh sau một năm học ở Đại học Bách khoa đã đi du học. Con gái đang học cấp hai. Anh tâm sự có lẽ vì thấy bố vất vả nên từ bé, các con không muốn theo nghệ thuật. Trong gia đình, anh ít nói nhưng nghiêm khắc.
Nhìn lại sự nghiệp 40 năm, Trung Anh cho biết chặng đường nghệ thuật của anh không trải hoa hồng. Do bố công tác hành chính ở Nhà hát Kịch Việt Nam, anh sớm được tiếp xúc với nghệ thuật. Năm 17 tuổi, anh trở thành một trong những hạt nhân đầu tiên của lớp đào tạo diễn viên khóa 1 của nhà hát, cùng Lan Hương, Đỗ Kỷ, Quốc Khánh, Trọng Trinh. Sau bốn năm đào tạo, anh tốt nghiệp và nhận được giấy nhập ngũ. Đóng quân ở Móng Cái (Quảng Ninh) hơn một năm, Trung Anh trở về công tác ở nhà hát và gắn bó đến nay.
Những ngày mới rời quân ngũ, anh từng lúng túng trên sân khấu, chỉ được giao vai phụ. Anh từng định bỏ nghề, đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng tình yêu với sân khấu đã níu anh ở lại.
Trung Anh coi sân khấu là "thánh đường". Anh ví mình như con nghiện, chỉ được diễn mới được "cắt cơn". Mỗi lần tập vở, anh sẵn sàng gác công việc để hóa thân nhân vật. Năm 2015, khi đảm nhận vai vua Hamlet trong tác phẩm cùng tên, anh từ chối các lời mời đóng phim bảy tháng. Trung Anh yêu sân khấu đến cực đoan. Anh tôn thờ vẻ đẹp mực thước của kịch cổ điển và chán chường khi kịch nói mai một, bị khán giả quay lưng. Diễn viên tâm sự từng bật khóc vì cảm thấy cố gắng, nỗ lực của mình với sân khấu không được ghi nhận.
Bù lại, mảng phim truyền hình giúp anh được công chúng biết đến rộng rãi. Anh biến hóa trong hàng loạt phim như Nơi ẩn nấp bình yên, Ngự lâm không kiếm, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Nếp nhà... Năm 2017, với vai Lương Bổng trong Người phán xử, anh nhận giải Cánh Diều Vàng "Nam diễn viên phụ xuất sắc". Hóa thân thành gã giang hồ lọc lõi, anh lột tả nhiều sắc thái nhân vật: lạnh lùng, đăm chiêu, mưu đồ trong công việc nhưng lại chất chứa nhiều suy tư khi ở một mình.
Trung Anh còn hai năm cống hiến ở Nhà hát Kịch Hà Nội trước khi về hưu. Năm ngoái, anh vừa làm hồ sơ xin xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, sau nhiều năm chần chừ. Anh nói không coi trọng danh hiệu, thế nhưng lớp nghệ sĩ đàn em nhiều lần giục cộng thêm bà xã động viên. Ở tuổi 58, anh vẫn lăn xả trên phim trường và những chuyến công tác liên miên. Năm ngoái, anh từ chối vai nam chính trong dự án điện ảnh Người vợ ba vì không sắp xếp được thời gian, một phần do "ngại cảnh nóng". "Hạnh phúc với tôi hiện tại là những bữa cơm quây quần bên gia đình và được thử sức với những dạng vai mới. Thành danh không có nghĩa là ngừng cống hiến", Trung Anh nói.
Hà Thu