Diễn viên Trần Hạnh. |
Giá như chuyện đời suôn sẻ thì anh thợ đóng giày là tôi đây đã được an nhàn tuổi già chứ không còn phải theo các đoàn làm phim long đong nay đây mai đó. Biết làm sao khi trong tôi cái máu ham vui, ham văn nghệ đã ngấm tự bao giờ. Tôi lập gia đình khi mới ngoài 20 và dù đã vợ con bìu ríu nhưng không sao bỏ được những buổi “chơi” kịch cùng với ban kịch Thanh niên Hà Nội. Khi mọi người vào học khóa đầu tiên đào tạo diễn viên chính quy của trường Sân khấu thì tôi đành phải rẽ ngang về Đoàn kịch Hà Nội bởi lý do duy nhất là phụ cấp ở đó cao hơn 10 đồng. Thời gian đó tôi luôn bị nỗi lo chuyện áo cơm của gia đình ghì sát đất, thành thử có muốn cất cánh cũng khó mà bay lên. Nhưng cũng thời gian này, sự nghiệp của tôi đem lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả với các vai diễn Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa, Vũ Khiêm trong Tiền tuyến gọi. Những năm tháng ấy là những ngày thần tiên trong đời tôi. Tôi đã học được tình yêu thiêng liêng với nghề nghiệp từ những giọt nước mắt của NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khi cụ nhìn thấy phông màn nhà hát nhăn nheo; học được sự đam mê công việc từ câu thơ một người bạn nghề “Những ngày sân khấu không làm việc/ Nhà hát buồn như một nghĩa trang”.
Mọi người nhớ đến tôi nhiều nhất có lẽ là vai ông Cần trong Cuốn sổ ghi đời của đạo diễn Tất Bình. Sau khi bộ phim được phát sóng, tác giả kịch bản bộ phim ấy có gửi một bức thư cho đoàn. Ngoài việc cảm ơn đoàn làm phim đã hoàn thành đúng ý tưởng của người viết, tác giả còn gửi thêm 500.000 đồng tặng riêng cho ông Cần. Ít ai biết rằng khi thể hiện vai diễn ấy trước máy quay, tôi đã phải thầm khóc trong lòng. “Phim giả mà tình thật”, vai diễn ấy mang tâm tư của tôi. Ngôi nhà hơn mười mét vuông nằm trong khu Trần Quý Cáp chật chội, dột nát quanh năm với 9 nhân khẩu có lẽ còn tội nghiệp hơn cả trong phim. Cũng may hồi năm ngoái, cô con gái giúp đỡ bố mẹ xây được căn nhà mới khang trang hơn trên nền đất cũ. Nhưng cũng chính vì thế trong lòng tôi, cuốn sổ ghi đời lại dầy thêm những nỗi niềm chưa trọn với người thân.
Vai cụ đồ trong phim nhựa Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh làm tôi nhớ nhất. Cát-xê 12 triệu cho 2 ngày quay ở Hưng Yên tưởng ngon ăn, ai dè vào cuộc mới thấy chẳng dễ xơi tí nào. Ông đạo diễn Việt kiều yêu quê hương nhưng lại không hiểu quê hương đến đầu đến đũa. Ai đời những năm 1954-1956 mà cứ bắt dân làng trong phim phải khoác khố tải như thời còn mồ mả ông Chử Đồng Tử. Khổ nhất là cứ bắt tôi phải diễn cảnh cụ đồ gọi con mà hai tay giơ lên trời như người Tây phương cầu chúa. Giá đây không phải là bộ phim của đạo diễn Việt kiều với những điều khoản hợp đồng lằng nhằng thì tôi đã bỏ quách về nhà ngồi hút thuốc lào vặt cho sướng. Mình nghèo thì đã nghèo rồi, đâu phải vì mấy triệu bạc mà ai bắt làm gì cũng phải theo thế. Nghệ thuật cũng phải hợp lý chứ. Tôi chỉ diễn khi tôi cảm nhận được tính nghệ thuật đích thực trong nhân vật. Và có lẽ tôi sẽ tiếp tục là những “lão nông”?
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)