- Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương kỷ niệm 20 năm thành lập. Vậy ông giám đốc của nó đã bao nhiêu năm trong nghề rồi?
- Nếu tính một cách chính xác thì tới tháng 9 này tôi đã bước chân vào làng nghệ thuật đúng 40 năm.
- Anh có thể nói gì về đoạn đời nghệ sĩ đã qua?
NSƯT Trần Bình. (Ảnh: An Ninh Thế Giới) |
- Không biết những người khác thế nào, chứ cá nhân tôi quyết định đi học múa chỉ vì lúc ấy ở nhà khổ quá. Lúc đó là giữa những năm 1960, gia đình tôi sơ tán ở Ứng Hòa (Hà Tây). Khi ấy, mẹ tôi mất được mấy năm, một mình ông bố tôi phải làm lụng nuôi tới 6 người con. Tôi thấy đời sống cực quá, vả lại, bản thân từ bé đã thích được tự do phóng túng. Vậy là tôi mượn xe đạp đi Ứng Hòa ra trường múa để thi tuyển... Thế mà đã gần 40 năm trôi qua. Giờ ngồi nghĩ, thấy mình vẫn chưa hết khổ.
- Nhưng trông bên ngoài thì không ai nói rằng ông Giám đốc Trần Bình khổ. Sao anh lại kêu?
- Đấy là nhìn bề ngoài thôi. Thực ra, Trần Bình không chỉ khổ mà còn cô đơn. Mới hôm qua ngồi lại với các anh chị nghệ sĩ những lứa đầu của nhà hát như anh Mạnh Hà, chị Vũ Dậu, Hoàng Thịnh, Ái Vân, Lệ Quyên... tôi đã nói rằng, bây giờ cái khổ nhất của mình là mỗi lần công tác, dẫn đoàn đi diễn, nhìn xung quanh toàn thế hệ con cháu rồi, có thể là gần đấy, nhưng cũng có thể là xa đấy... Xa là mình không thể đối thoại gần gũi được chuyện gì nữa. May mà giờ vẫn còn một ông phó giám đốc Nhà hát ở thế hệ mình, nhưng anh ấy sang năm cũng đến tuổi về hưu. Làm sao mà mình không cảm thấy cô đơn.
- Theo anh, lớp nghệ sĩ trẻ bây giờ có những điểm gì khác so với thế hệ của anh?
- Ngày trước, cám dỗ vật chất không nhiều nên người nghệ sĩ không bị lôi cuốn quá đà theo các lợi ích cá nhân. Cơ chế hồi đó là tất cả cùng làm, cùng hưởng, độ chênh lệch hơn thiệt chẳng đáng bao nhiêu. Tất nhiên, khi đến đâu đó biểu diễn, chúng tôi cũng biết là đôi khi cả đoàn được địa phương chiêu đãi, chiều chuộng đặc biệt là vì một hai ba nghệ sĩ cụ thể nào đó nhưng những nghệ sĩ đó cũng không nệ vào cái ấy mà lên mặt hay đòi hỏi này nọ. Thêm vào đó, thời chúng tôi còn trẻ, làm nghệ thuật là phải yêu ghê gớm lắm mới đủ sức mà theo.
- Là ông bầu của loạt chương trình Gala một thời đình đám, ý tưởng đó anh lấy từ đâu?
- Nói thật, hồi đấy tôi gặp nhiều chuyện buồn lắm. Việc gia đình liêu xiêu bát xát. Mọi sự hầu như không ổn định. Và cũng khi ấy, tôi được anh em bầu làm Phó Giám đốc của Đoàn Ca múa nhạc nhẹ Trung ương, tiền thân của nhà hát bây giờ. Trước đó tôi cũng đã là một nghệ sĩ trong đoàn, nhưng hay đứng ra "đánh pắc" cho chính đơn vị nghệ thuật của mình, tức là tổ chức các sô diễn với danh nghĩa của đoàn, tự thu tự chi và "nộp thuế thân" cho đoàn, lời ăn lỗ chịu... Lên làm Phó Giám đốc rồi, phải có hoạt động gì đổi mới chứ. Nghiền ngẫm mấy tuần mới có được ý tưởng. Tuy nhiên, lúc đó mình đang nợ nần như chúa chổm, có khoản nợ phải trả lãi tới 12 phân. Thế là còn mỗi "con" xe máy cũng phải mang đi đặt để lấy tiền chi phí chuẩn bị cho chương trình. Nhờ giời, mọi sự cuối cùng đều ổn (cười).
- Bây giờ anh còn nhớ về Ái Vân với hình ảnh như thế nào?
- Vân đẹp. Một vẻ đẹp thánh thiện, kiêu sa. Chúng tôi quen nhau từ thuở phim Chị Nhung. Rồi sau này ở cùng một đoàn. Tôi có ấn tượng về Vân như một người trong quan hệ với đồng nghiệp rất bình dị, chu đáo, bao giờ cũng đối xử tốt với anh chị em ở bộ phận phục vụ. Tôi nhớ, dạo ấy, mỗi lần đoàn đi biểu diễn xa là Vân lại mang theo một phích đá để ướp khăn mặt cho anh chị em...
- Ngày trước, nhiều người đồn rằng anh trải chiếu ngủ ở cửa nhà Ái Vân. Sáng dậy, ông thân sinh của chị mở cửa thấy anh vẫn nằm nguyên ở đó, sốt ruột quá, bèn bảo con gái: "Thôi con ạ, nó mê con thế này thì trời cũng phải thua. Lấy nó đi chứ không thì nó còn ngủ ở cửa nhà mình nhiều đêm nữa đấy". Chuyện này thực hư ra sao?
- Bịa cả thôi. Chúng tôi lấy nhau là do cả hai đều quyết tâm. Nếu Vân không quyết tâm thì làm sao có được cuốn sổ hộ khẩu của gia đình Vân để hai đứa mang đi đăng ký kết hôn? Mà phải nói rằng, Trần Bình hồi đó nghèo lắm, không có của nả gì hấp dẫn đâu... May mà lúc ấy Vân mới đi biểu diễn bên Liên Xô trong chương trình Giai điệu bạn bè, khi về mang được 4 chỉ vàng. Thế nên mới có tiền làm đám cưới...
- Anh chị tổ chức đám cưới ở đâu?
- Trên tầng hai cửa hàng Bodega Tràng Tiền với 60 khách, đám cưới diễn ra ngày 30/6/1982, một ngày nắng nóng nhưng thời đó chưa có máy lạnh.
- Anh còn nhớ thời điểm hai người chia tay như thế nào?
- Chúng tôi sống với nhau được 8 năm, sau khi chia tay là bắt đầu giai đoạn khốn khó nhất của đời tôi, kéo dài tới 7-8 năm sau, mãi cho tới khi tôi quyết định lập gia đình thêm lần nữa. Dư luận, rồi nhiều nhiều thứ khác nữa... Tôi đã im lặng trước mọi đồn thổi vì nghĩ rằng, với người thân thì mình đòi phần hơn làm gì, kể cả trong dư luận. Rồi mọi sự cũng lắng đi, còn lại bây giờ là mối quan hệ bạn bè tốt. Tôi rất mừng là Vân và bà vợ hiện nay đối xử rất tốt với nhau.
- Anh có muốn các con anh đi theo nghề của cha?
- Tôi luôn tôn trọng sự lựa chọn của các con mình. Rất mừng là cô con gái lớn đã đi trường Luật, cậu con thứ hai ở Mỹ thì cũng muốn học bác sĩ. Cậu thứ ba hiện nay 8 tuổi rất mê vẽ và vẽ đẹp lắm. Nói thực là tôi yêu công việc mình đang làm nhưng không muốn con nối nghiệp cha. Làm nghệ thuật là một nghề đầy rủi ro và gian truân, đến khi tỉnh ra thì thấy mình tay trắng vẫn hoàn tay trắng.
- Vì sao anh lại bi quan như vậy?
- Tôi không bi quan đâu, nhưng tôi phải nói thế để các con thấy rằng, người ta chỉ đi làm nghệ thuật nếu thấy mình không yêu công việc gì khác hơn thế, nếu thấy mình không thể sống được nếu thiếu nó. Công việc này đòi hỏi phải dâng hiến hết mình và có lẽ hạnh phúc nằm ở trong sự dâng hiến tới tận cùng đó. Nghệ thuật không giúp cho con người dễ dàng có được danh lợi như ai đó vẫn tưởng.
(Theo An Ninh Thế Giới)