Là tân giám đốc của Nhà hát sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Uyên tâm sự dù mặt bằng nhà hát vẫn chưa ổn định để phục vụ khán giả, chị và các nghệ sĩ quyết tâm thực hiện các tác phẩm chính luận thay vì chạy theo dòng hài kịch.
Với tâm huyết này, Nhà hát 5B đầu tư khoảng 200 triệu đồng cho vở Giấc mơ (kịch bản: Nguyễn Đình Thi). Nội dung vở nói về tình yêu, niềm hy vọng, khao khát một cuộc sống thanh bình của những người từng đi qua chiến tranh.
Trong kịch, linh hồn của người lính đã chết (Trung Dũng diễn) vẫn còn đầy day dứt, trăn trở về những điều mình chưa làm được cho quê nhà, đất nước. Linh hồn gặp phải sự giằng co khi bị thần chết (Bạch Long đóng) đưa đi siêu thoát với lý do: "Nhiều người quyền lực hơn anh còn phải khuất phục bởi thần chết, anh chỉ là một hạt cát bé nhỏ thì làm được gì?".
Kịch kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như: Kịch nói, múa đương đại và tuồng cổ để khai thác tối đa diễn xuất đa dạng của các diễn viên. Sân khấu được thiết kế theo dạng hình tròn linh hoạt, dễ chuyển cảnh. Đạo diễn khai thác hiệu ứng âm nhạc dân tộc, đương đại cùng dàn âm thanh, ánh sáng để tô đậm thêm nội dung của vở kịch chứa nhiều triết lý về cuộc sống.
Nghệ sĩ Mỹ Uyên cho biết chị và êkíp chỉ hy vọng thu lại đủ vốn đầu tư sau khi công diễn tác phẩm. "Giấc mơ được thực hiện chủ yếu để phục vụ một bộ phận khán giả còn nặng lòng với dòng kịch chính luận", nữ Nghệ sĩ Ưu tú nói.
Tác phẩm do đạo diễn Thái Kim Tùng dàn dựng. Kịch có sự góp mặt của nghệ sĩ Bạch Long, nghệ sĩ Trung Dũng, nghệ sĩ Lê Vinh, Thu Hiền, Minh Tiến, Như Ý, Tấn Phát, Thùy Linh...
Đây cũng là tác phẩm tham dự Liên hoan kịch thể nghiệm quốc tế diễn ra vào tháng 11 tại Hà Nội. Sự kiện này quy tụ hơn 20 vở diễn đến từ nhiều sân khấu trong và ngoài nước.
Hiện êkíp của Nhà hát 5B Võ Văn Tần nỗ lực phát triển các vở diễn mới, duy trì thể loại chính kịch - tâm lý chứ không chỉ chạy theo xu hướng hài kịch.
Mai Nhật
>Xem thêm: