- Mới đây, ông được Sở Văn hóa Thể thao TP HCM đề cử trong danh sách gửi lên Hội đồng cấp nhà nước xét trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Cảm xúc của ông ra sao?
- Tôi sống với nghề hát hàng chục năm không phải bởi mong chờ đạt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân. Nhưng nếu sự cống hiến của tôi được mọi người ghi nhận thì không có gì vinh dự bằng. Danh hiệu khuyến khích tinh thần để tôi trau dồi nghề nghiệp được tốt hơn. Tôi muốn không ngừng sáng tạo, phát huy cái hay của cải lương. Nhiều tác phẩm có kịch bản bình thường nhưng nếu nghệ sĩ để tâm đầu tư vai diễn, nó cũng trở nên hay hơn nhiều.
* Nghệ sĩ Minh Vương hát "Ngẫu hứng Chí Phèo"
- Sau nhiều năm ghép thận và hồi phục sau bệnh nặng, hiện tần suất đi diễn của ông như thế nào?
- Hễ đơn vị hay địa phương nào mời, tôi đều đi diễn nếu sức khỏe cho phép. Hàng năm tôi cũng có vài show ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung như Bắc Ninh, Đà Nẵng. Thỉnh thoảng, tôi xuống miền Tây hát phục vụ cho bà con. Còn ở TP HCM, tôi nhận chấm thi Chuông vàng vọng cổ cũng như đi hát trong các buổi lễ mang tính chất khai trương, kỷ niệm.
Tôi không bao giờ muốn bản thân, giọng ca trở nên cũ kỹ. Tôi luôn sáng tạo làm mới các bài tân cổ dành cho giới trẻ hoặc người trung niên. Khi tôi hát bài hit như: Con bướm xuân, Vợ người ta, khán giả đều thích thú. Mới đây nhất, tôi đưa ca trù, vọng cổ vào bài Ngẫu hứng Chí Phèo và đến đâu người xem cũng yêu cầu tôi hát bài này.
- Ông cảm nhận tình cảm khán giả dành cho mình thay đổi ra sao theo thời gain?
- Cách đây mấy chục năm, tôi nhận thư hâm mộ từ khán giả rất nhiều, chất đầy trong từng thùng to. Tôi có một thư ký riêng phụ đọc và viết thư trả lời mọi người. Tôi còn làm một cái mộc riêng, khắc tên của mình, mỗi lá thư phản hồi lại khán giả, tôi đều đóng dấu lên. Đến giờ tôi gần 70 tuổi, vẫn có fan nữ viết thư bày tỏ sự hâm mộ. Mỗi lần nhận thư như thế, tôi đọc rồi cười tủm tỉm. Bà xã nhìn thấy là hỏi ngay. Tôi kể cho bà ấy nghe về các lá thư và hai vợ chồng cùng ngồi đọc.
Trước đây, những ngày tôi qua cơn bạo bệnh, khán giả thương mến, quan tâm tôi nhiều hơn. Đi diễn ở tỉnh, nhiều người kéo tay tôi lại nói: "Minh Vương ráng khỏe nha, để hát cho cô, bác, chú nghe". Lời nói giản dị ấy khiến tôi xúc động và trả lời họ: "Mọi người yên tâm, con sống lâu lắm, còn hát được nhiều lắm". Họ cũng tặng tôi rất nhiều món quà. Dù có một bó hoa nhỏ xíu, tôi cũng trân trọng, mang về nhà trưng cho đến khi héo tàn.
- Vợ chăm sóc việc chạy show, sức khỏe của ông ra sao?
- Tôi nghĩ hoạt động nghệ thuật của nam nghệ sĩ có thuận lợi hay không chính là ở sự ủng hộ, quan tâm của người vợ. Nếu bà xã không thông cảm, hiểu được công việc thì sẽ có nhiều sự bất đồng. Mỗi lần đi diễn, tôi thường hỏi bà ấy cách phối quần áo sao cho hài hòa. Vợ luôn chăm sóc tôi miếng ăn, giấc ngủ và giúp tôi chọn trang phục phù hợp tính chất của từng chương trình.
Sau sáu năm kể từ ngày ghép thận thành công, sức khỏe tôi khá tốt. Cứ hai tháng tôi đi tái khám một lần. Hiện tôi uống thuốc, ăn uống theo sự chỉ định của bác sĩ. Tôi ngủ, nghỉ ngơi có giờ giấc đàng hoàng. Vợ tôi cũng rất kỹ trong việc chọn thực phẩm để nấu ăn, sợ có nhiều hóa chất độc hại. Bà ấy nấu ăn rất ngon. Chế độ ăn của tôi không có gì đặc biệt, chỉ là ăn ít hơn. Buổi tối tôi không ăn cơm mà dùng trái cây để nhẹ bụng, ngủ ngon hơn. Một ngày của tôi rất bình thường. Sáng thức dậy tôi đọc báo, uống trà, chăm sóc cây kiểng, tối xem tivi rồi ngủ.
- Nhắc đến ông khán giả nghĩ ngay đến hình ảnh một "Khôi nguyên vọng cổ" - danh hiệu ông đạt được thời trẻ. Mỗi khi nhớ lại giai đoạn huy hoàng đó, ông nhớ nhất điều gì?
- Cơ duyên đoạt được danh hiệu "Khôi nguyên vọng cổ" là một trong những kỷ niệm của thời thanh xuân mà tôi không thể nào quên. Tôi ở với ông bà nội ở Cần Giuộc, Long An đến năm 10 tuổi thì lên Sài Gòn cùng bố mẹ. Thú vui của tôi là nuôi cá lia thia. Mỗi buổi trưa đi học về, tôi thường lội bộ qua cầu chữ Y để vớt lăng quăng nuôi cá. Đối diện dưới chân cầu có một lớp đờn ca tài tử do thầy Bảy Trạch phụ trách. Tôi nghe và thấy mê mẩn giai điệu vọng cổ nên đứng ở cửa xem hoài. Cho đến một ngày, tôi mạnh dạn xin vào lớp học của thầy. Nhận ra tôi có chất giọng hay nên thầy Bảy Trạch nhận tôi làm học trò mà không lấy tiền. Đến năm 1964, thầy đưa tôi tham cuộc thi "Khôi nguyên vọng cổ" và nhận được cúp vàng. Chiếc cúp làm từ vàng 18k, tiếc là nó không còn nữa khi nhà tôi bị cháy. Sau đó tôi được bầu Long (Đoàn Kim Chung) mời ký giao kèo với giá 10.000 đồng. Tôi gửi tặng thầy Bảy Trạch 5.000 đồng, còn lại tôi đưa cho mẹ. Từ đó, tôi nghỉ học và theo nghề hát, lấy nghệ danh Minh Vương.
* Nghệ sĩ Minh Vương - Lệ Thủy trong 'Tô Ánh Nguyệt'
- Nhìn lại chặng đường đời đã qua, ông thấy mình được và mất gì?
- Cải lương cho tôi danh tiếng, giàu sang. Năm 1972, tôi đứng ra lập gánh hát Cải lương Việt Nam - Tiếng hát Minh Vương, tôi làm kép chánh kiêm luôn bầu gánh. Sau năm 1975, gánh hát của tôi sáp nhập với đoàn Sài Gòn 3 ra mắt khán giả vở Mái tóc người vợ trẻ. Rồi tôi về đoàn Phước Chung, Văn Công Giải Phóng, Nhà hát Trần Hữu Trang, đoàn 284... Tên tuổi tôi được cả nước biết đến từ vai diễn Nguyễn Trãi (vở Rạng Ngọc Côn Sơn), Minh (Tô Ánh Nguyệt), Luân (Đời cô Lựu), Tùng (Nửa đời hương phấn)... Tôi kiếm được rất nhiều tiền từ thu băng đĩa phát thanh truyền hình. Người ta nói "chữ tài liền với chữ tai một vần", cũng từ cải lương mà tôi gặp nhiều tai ương rồi đổ vỡ hôn nhân với người vợ đầu. Có những lúc tôi tưởng như đã gục. Sau tất cả tôi vượt lên nhờ niềm đam mê với nghề, tình yêu thương của khán giả, gia đình. Bởi vậy, tôi không muốn con cái theo nghề của tôi vì quá vất vả.
- Ông còn niềm mơ ước gì trong cuộc đời mình?
- Tôi cầu mong sức khỏe, hát còn được hay để mãi phục vụ khán giả. Tôi không mất sự lạc quan vào sân khấu vì mỗi lần đi diễn tôi đều cảm nhận khán giả còn yêu cải lương lắm. Nghệ thuật này bị hạn chế vì có quá nhiều chương trình giải trí trên tivi, mạng khiến khán giả bị phân tâm. Tôi luôn mơ ước sân khấu lúc nào cũng sáng đèn. Các giọng ca cải lương thế hệ sau nên có ý thức việc phải giữ gìn để nghệ thuật cải lương trường tồn.