Tối 31/3, bất chấp Sài Gòn bất chợt mưa nặng hạt cũng như dày đặc hoạt động giải trí nhân cuối tuần và dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, liveshow "Nửa thế kỷ tiếng hát Lệ Thủy" thu hút khoảng 1.000 khán giả tới Nhà hát Bến Thành TP HCM. Có khán giả lặn lội từ Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ... lên Sài Gòn xem hát. Có khán giả là người Việt sống tại Pháp vừa về thăm quê, biết có show Lệ Thủy phải đi xem cho bằng được. Có người phải đặt mua vé trước hàng tháng trời để được chỗ ngồi lý tưởng. Người không kịp mua trước vẫn chấp nhận vé "chợ đen" bán trước cổng nhà hát để kịp giờ vào xem diễn.
Và giống như mọi lần xuất hiện trên sân khấu, Lệ Thủy không làm phụ lòng khán giả mộ điệu khi chị "cháy" hết mình qua suốt 4 giờ đồng hồ, với những khóc cười cho số phận của những nhân vật đã đi sâu vào lòng thế hệ khán giả yêu mến cải lương. Vẫn phong thái diễn xuất tự nhiên, nhẹ nhàng, hồn hậu, đậm chất Nam Bộ đến giọng ca trong thanh, mộc mạc, nữ nghệ sĩ làm xao xuyến trái tim người xem.
Nghệ sĩ Lệ Thủy "chèo" ghe ra sân khấu mở màn đêm diễn trong tiếng vỗ tay của khán giả. |
Mở màn đêm diễn, NSƯT Lệ Thủy khiến khán giả thích thú khi xuất hiện trong bộ áo dài dịu dàng, vai quấn khăn, ngồi trên một chiếc xuồng lá mô hình, chèo từ sau cánh gà ra giữa sân khấu. Trong hơn 15 phút, chị lần lượt hát, diễn lại những đoạn trích ngắn, tiêu biểu của nhiều vở tuồng làm nên tên tuổi Lệ Thủy một thời. Áo cưới trước cổng chùa, Lan và Điệp, Máu nhuộm sân chùa, Những vì sao không tên, Cô gái bán sầu riêng, Xin một lần yêu nhau, Lời ru của biển... Chỉ với lối diễn xuất ước lệ, tượng trưng kèm theo màn hình phía sau chiếu clip tư liệu các vở tuồng để minh họa, Lệ Thủy lần lượt đưa khán giả quay lại thời vàng son của loại hình nghệ thuật cổ truyền này. Chị như làm sống lại hình ảnh Lệ Thủy trẻ trung, một thời "gây sóng gió, bão biển" trên sân khấu cải lương từ Nam ra Bắc, người nữ diễn viên tài hoa xinh đẹp đóng cặp với nhiều nam nghệ sĩ tên tuổi như: Thanh Tuấn, Minh Vương, Minh Phụng...
Sau phần độc diễn này, ca sĩ Dương Đình Trí, con trai Lệ Thủy xuất hiện bên cạnh mẹ để hát vài câu vọng cổ thể hiện ý nghĩa về việc truyền lửa nghề từ người đi trước sang thế hệ nối tiếp. Đứng bên con trai, trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả, nữ nghệ sĩ 64 tuổi nói với giọng xúc động: "Là một nghệ sĩ, ai cũng muốn mình hát hoài, hát mãi. Không có ai muốn bỏ nghề, không ai muốn giải nghệ đâu! Nhưng đến một lúc nào đó, sức khỏe không cho phép mình tiếp tục. Lúc đó, cũng phải rời xa sân khấu, rời xa ánh đèn. Đó là quy luật rồi. Nhưng Lệ Thủy mong rằng, tiếng hát của Lệ Thủy vẫn mãi mãi còn nằm trong lòng khán giả tri âm...".
Lệ Thủy (trái) và con trai Đình Trí, người đứng ra tổ chức chương trình "Nửa thế kỷ tiếng hát Lệ Thủy", trong loạt chương trình "Bước chân hai thế hệ". Hai mẹ con nghệ sĩ có nhiều chia sẻ về nghề khiến khán giả xúc động. |
Những lời chia sẻ của chị giống như một lời chào khán giả, bởi trước khi đêm diễn bắt đầu, chị cho biết, "Nửa thế kỷ tiếng hát Lệ Thủy" là liveshow cuối cùng trong nghiệp diễn xuất. Sức khỏe và tuổi tác sẽ khó cho phép chị thực hiện một chương trình riêng như thế này nữa.
Món quà ý nghĩa tiếp theo mà chị dành tặng cho khán giả trong đêm này chính là trích đoạn cải lương Tô Ánh Nguyệt. Tuy đều đã cao tuổi, không còn hình ảnh mượt mà của những đào kép vang bóng một thời, nhưng NSƯT Lệ Thủy - Minh Vương - Thoại Miêu cùng làm sống lại vở cải lương tâm lý xã hội đặc sắc, làm rung động bao con tim người Việt.
Dù 52 năm qua, nhiều khán giả nhận xét, Lệ Thủy vẫn giữ nguyên lối diễn xuất tự nhiên, không lên gân, không màu mè.
Giọng hát và lối diễn của chị như thoát ra từ trái tim đang đập cùng nhịp đập với nhân vật của mình. Và điều này được minh chứng qua Tô Ánh Nguyệt, vai diễn tiêu biểu nhất trong đời nghệ thuật của Lệ Thủy.
NSƯT Minh Vương và Lệ Thủy tái hợp trong trích đoạn "Tô Ánh Nguyệt". |
Từ lâu, trong lòng người mộ điệu cải lương, nhắc đến cô gái mang tên Tô Ánh Nguyệt là người ta nhớ đến hình ảnh Lệ Thủy, và ngược lại. Từng hóa thân thành nhiều thân phận khác nhau trên sân khấu, từ bà hoàng lộng lẫy, công chúa kiêu sa, tiểu thư đài các... Lệ Thủy còn để lại dấu ấn mạnh mẽ qua vai diễn những cô gái quê mùa, lam lũ, những số phận phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, éo le trong tình duyên nhưng vẫn giữ được phẩm chất cao đẹp của mình, hoặc hình ảnh những bà mẹ chịu thương chịu khó đậm chất Việt Nam.
Vì thế, dù khán giả có xem chị hóa thân vào cuộc đời sóng gió của Tô Ánh Nguyệt bao nhiêu lần, có gần như đã thuộc nằm lòng lời ca nghẹn ngào của chị khi bị giằng xé giữa bên tình, bên hiếu, thì vẫn tiếp tục rung động, tiếp tục say sưa theo dõi mỗi lần chị trở thành Tô Ánh Nguyệt.
Màn kết hợp giữa NSƯT Thành Lộc và Lệ Thủy trong vở Sông dài, ở phần hai của đêm diễn chính là món quà lớn nhất mà đôi nghệ sĩ này dành cho khán giả. Bất chấp khoảng cách tuổi tác, cả hai diễn xuất rất ăn ý.
Ca sĩ Đình Trí, con trai nghệ sĩ Lệ Thủy cho biết, chương trình có ghi hình để phát hành đĩa, bán trong và ngoài nước, nên hơn 90% tiết mục trong đêm diễn là nghệ sĩ hát thật. Ban tổ chức chỉ sử dụng phần thu sẵn ở một số đoạn âm vực cao để bảo đảm sức khỏe cho nghệ sĩ Lệ Thủy. Điều này cho thấy một nỗ lực lớn của người nghệ sĩ cao tuổi, cũng như sự trân trọng dành cho khán giả.
Sự trân trọng ấy được Lệ Thủy gửi gắm vào tiết mục dài mang tên Cội nguồn yêu thương, do chị đặt hàng tác giả Hoàng Song Việt viết riêng cho chương trình. Ở tiết mục này, bên cạnh NSƯT Thanh Vy, Kiều Mai Lý, Hồng Tơ và Quốc Kiệt, Lệ Thủy gửi gắm, bày tỏ về những mặt trái, chuyện hậu trường phía sau sân khấu, những bài học quý để giữ "lửa nghề", truyền lại cho thế hệ sau.
Ảnh |
* Lệ Thủy cháy hết mình trong liveshow cuối |
Thoại Hà