- Sau những vai diễn truyền hình, bà vừa góp mặt trong kịch "Đêm vượn hú" trên sân khấu 5B. Bà chia sẻ thế nào về cơ duyên với kịch nói này?
- Ít người biết tôi trưởng thành từ sân khấu, phần lớn khán giả nhớ tôi qua vai diễn bà nội trong nhiều bộ phim. Thời còn hoạt động trong đoàn văn công miền Nam, chúng tôi diễn nhiều loại hình văn nghệ để phục vụ bộ đội, từ múa, hát đến diễn cải lương, đóng kịch. Sau khi đất nước thống nhất, từ diễn viên, tôi trở thành quản lý nhà hát Trần Hữu Trang trong hơn 20 năm. Đến khi nghỉ hưu, tôi chán nản với nghệ thuật nên không nhận lời tham gia bất kỳ sân khấu nào.
Việc nhận lời đóng kịch lần này một phần là do tôi nể sự nhiệt huyết của Mỹ Uyên (Phó giám đốc sân khấu 5B). Từng năn nỉ diễn viên nhận vai nên tôi hiểu được cái khó của người làm công tác quản lý. Phần khác vì kịch bản quá hay, quá chặt chẽ về cấu tứ và mạch truyện, đặc biệt là nhân vật bà già bị liệt cả ngày chỉ biết ngồi trên xe lăn. Con trai tôi cũng nói, vai này rất quái, chỉ có mẹ thể hiện được. Vậy là tôi nhận lời tham gia.
- Cảm giác của bà thế nào sau nhiều năm không đứng trên sân khấu?
- Trong hơn 20 năm làm công tác quản lý, lúc nào tôi cũng khao khát được diễn. Trong quyền hạn của mình, tôi có quyền chọn vai, nhưng đa phần tôi nhường vai hay cho người khác. Chỉ những vai quần chúng, vai phụ, vai không ai muốn diễn, tôi mới nhận về mình. Cảm giác phải nhường vai đau đớn chẳng khác gì mình nhường người yêu cho kẻ khác.
Vậy mà sau chừng ấy năm, khi được đứng trên sân khấu, diễn vai mình tâm đắc, tôi không thấy háo hức, mất ăn, mất ngủ như ngày trước. Không phải tại kịch bản dở, diễn viên diễn không tốt. Tôi cho rằng, nhiệt huyết của khán giả với kịch không còn nhiều đã tác động đến tâm lý của tôi. Mặt khác, trong quá trình đóng phim và làm việc với nhiều diễn viên thế hệ sau, tôi chứng kiến hành động, phát ngôn của một số người quá khác biệt so với thế hệ chúng tôi. Sự so sánh đó ít nhiều ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi trong mỗi vai diễn.
- Vì sao bà vẫn nhận lời tham gia diễn xuất khi bản thân không thực sự thấy thoải mái?
- Ở tuổi này, chúng tôi cần sự giao lưu, hòa nhập với xã hội bên ngoài hơn là thui thủi ngồi nhà. Sau khi nghỉ hưu, phần lớn thời gian tôi dành hoạt động trong Hội bảo vệ nạn nhân chất độc da cam. Tôi quyết định đóng phim sau khi bị cháu ngoại nhận xét: "Bà ngoại làm biếng quá". Vì câu nói đó, tôi muốn chứng minh cho con cháu và những người đã yêu quý mình rằng tôi vẫn còn khỏe, còn xông pha được nhiều vai diễn. Nhiều khi cát-xê chẳng đủ tiền cho tôi bắt taxi đi diễn.
- Bà nhận xét sao về lớp diễn viên trẻ hiện nay?
- Một số diễn viên rất nghiêm túc, yêu nghề. Những người như vậy, thi thoảng vẫn bị cho là hâm, là lạc loài. Đa phần diễn viên ngày nay, khi đến trường quay, vừa diễn, vừa dán mắt vào điện thoại đọc kịch bản. Chưa kể, những ngôi sao mải chạy cùng lúc nhiều phim, để diễn viên khác phải đợi mòn mỏi từ sáng đến chiều mới được quay. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa, tôi đành tự nhủ "sống chung với lũ" và cố gắng thông cảm cho các em.
- Làm việc với lớp trẻ ngày này, bà nói gì về khoảng cách giữa hai thế hệ?
- Thời chúng tôi, nhà nước mất bao cơm gạo mới đào tạo được một nghệ sĩ. Ra trường, chúng tôi tỏa đi khắp các chiến trường phục vụ bộ đội. Tôi cũng như nghệ sĩ Phi Điểu phải gửi con cho bạn bè ở nơi tập kết để đi vào chiến trường. Tôi nhớ, năm tôi đi chiến dịch Nam Lào, con gái tôi đã biết nói. Khi tôi bước lên xe, cháu bảo: "Mẹ đừng đi". Tôi đau thắt lòng vì lúc đó chồng tôi học bên Nga, không chăm con thay vợ được. Rồi chúng tôi cũng vượt qua, may mắn trở về lành lặn.
Bây giờ, làm diễn viên, người mẫu, ca sĩ dễ dàng quá nên các bạn không coi trọng công sức mình bỏ ra cho nghề. Rất ít diễn viên nắm rõ lịch sử của công việc mình đang làm. Tệ hơn, có người phủ nhận tất cả công lao gây dựng của người đi trước. Nhiều nghệ sĩ cải lương sau này sa sút đã đổ lỗi cho hoàn cảnh. Sao các bạn không nhìn vào các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Minh Vương, Lệ Thủy, Hồng Nga, Ngọc Giàu...? Họ đều trưởng thành từ nhà hát Trần Hữu Trang, từng cùng tôi lăn lộn khắp vùng sâu, vùng xa biểu diễn phục vụ bà con với những bữa cơm ăn không đủ no, nói gì đến ăn ngon. Tôi tin, những người lao động nghệ thuật nghiêm túc và hết mình sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng nhân dân.
- Bà nghĩ sao nếu nói quan điểm này của bà không còn phù hợp với thời đại?
- Chẳng những lỗi thời, nhiều người còn nói tôi già rồi, sức yếu, không diễn nổi nữa đâm ra tỵ nạnh với con cháu. Tôi bỏ ngoài tai mọi nhận xét đó. Tôi cho rằng, tư cách của người nghệ sĩ được đánh giá qua những vai diễn của họ. Nghệ sĩ nào sống "bầy hầy", họ sẽ mang nguyên tính cách đó vào công việc. Đó là kinh nghiệm tôi đúc rút sau hơn 20 năm làm công tác quản lý. Bởi vậy, tôi không khi nào đánh giá người khác qua cách họ ăn, mặc ra sao, làm điệu thế nào. Thời của chúng tôi, diễn viên nữ có thói quen hay soi gương cũng bị nhòm ngó. Nhưng tôi không để ý điều đó, quan trọng là diễn viên đó khi vào vai ra sao, đem lại cho khán giả những gì? Tôi không ngại bị đánh giá. Tôi tin vào sự nghiêm túc, sáng tạo của mình trong mỗi vai diễn.
NSƯT Lê Thiện tên thật là Tô Đặng Thị Thiện, sinh ngày 19/8/1945 tại xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình nông dân. Năm 12 tuổi, bà theo đoàn văn công tham gia kháng chiến. Sau ngày thống nhất đất nước, Lê Thiện về Sài Gòn làm Phó giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang, phụ trách đội văn nghệ xung kích của đơn vị này. Bà nghỉ hưu năm 2005, sau đó tích cực hoạt động trong nhiều tổ chức xã hội. Nữ nghệ sĩ hiện sống cùng chồng tại TP HCM. Bà được khán giả màn ảnh nhỏ yêu mến với những vai bà nội trong các phim Dù gió có thổi, Vừa đi vừa khóc, Cá Rô Anh yêu em... |
Châu Mỹ thực hiện