Ca sĩ Ngọc Tân. |
Tôi cười tít mắt, lý giải thêm câu nói của anh: “Chúng mình là dân văn nghệ, mê nhau qua âm nhạc là phải đạo”. Anh đã sống hòa nhập với chúng tôi, không còn giữ kiểu cách của con trai Hà thành. Hồi ấy, ca khúc Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã giúp đôi song ca Ngọc Tân - Hồng Vân nhận được lời khen ngợi của đông đảo khán giả. Tôi đã song ca với rất nhiều nam ca sĩ, nhưng với anh Tân vẫn dào dạt một tình cảm thân thương. Bởi như lời tự trào đầy dí dỏm của anh: “Trai Hà Nội, gái cố đô mà lị...”.
Phải thừa nhận niềm đam mê ca hát của Ngọc Tân mãnh liệt chẳng kém gì tình yêu lứa đôi. Anh đến với sân khấu ca nhạc không một chút bỡ ngỡ. Thuở đó khi tôi hỏi anh về bước ngoặt đến với sàn diễn ca nhạc, anh chỉ cái radio cũ kỹ và bảo: “Chính ca sĩ Trần Khánh đã mang cái radio này đến tiệm sửa đồng hồ để dụ tôi vào dàn đồng ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Có đến 11 năm tôi làm lính đồng ca. Lương mỗi tháng 45 đồng. Thế mà vẫn mê”.
Anh cười hóm hỉnh, vẫn luôn tự trào và mắc cỡ đỏ ửng gò má làm rung đôi kính trắng. Ngọc Tân là vậy, dễ bẽn lẽn, dễ xúc cảm khi nhắc về quá khứ.
Ngọc Tân không gặp nhiều may mắn như một số ca sĩ, nghệ sĩ cùng thời. Số anh lận đận, hết gặp bất hạnh này lại chịu đau khổ khác. Thế nhưng anh biết vượt lên tất cả để giữ vững niềm đam mê nghệ thuật. Tôi tự hào vì danh sách những người hát tình ca về biển, về Hà Nội đã có một giọng nam trầm ấm áp, đầy nam tính. Anh hát bằng sự rung động chân thật của con tim. Giọng ca chất chứa tình cảm như muốn níu giữ người nghe mãi không thôi.
Tôi luôn tự hào về anh, một ca sĩ sống hết mình với sự nghiệp. Có ai đó bảo Ngọc Tân lên sân khấu không đẹp, chiếc kính cận của anh có thể khiến một số người xem mất thiện cảm. Thế nhưng, với tôi đó chỉ là hình thức, cái chính vẫn là phong cách biểu diễn và cả chất giọng ấm áp, trữ tình. Các nam ca sĩ trẻ ngày nay lên sân khấu thiếu hẳn chất nam tính như Ngọc Tân. Chả trách sao đời sống ca nhạc đã bị lai căng vì một số bạn trẻ xem nhẹ chất lãng tử rất đời thường của chính bản thân người hát. Anh không cầu kỳ trong ăn mặc, lại rất đơn giản trong biểu diễn, ấy thế mà dấu ấn về anh nhẹ nhàng đi vào lòng người như chính tư chất bình dị của anh.
Hôm nay, khi Sài Gòn vào mưa, Hà Nội lại đón anh về với phố Huế, với nơi mà anh đã ra đi làm nên sự nghiệp ca hát. Hôm qua, khi Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM phát lại ca khúc Chiều trên bến cảng, tôi nghe mà tim nhói đau vì không tin là anh đã ra đi, rời xa công chúng. Vĩnh biệt anh, người hát tình ca về Hà Nội. Xin thắp cho hương hồn anh một nén nhang như một lời chia tay chàng ca sĩ đã cùng tôi hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ.
Hồng Vân
(Theo Người Lao Động)