NSƯT Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh năm 1945 tại Bạc Liêu, sớm mồ côi cha, sống với mẹ và cha dượng. Bà bỏ nhà theo gánh hát năm 14 tuổi. 16 tuổi Diệu Hiền đã cùng nghệ sĩ Trương Ánh Loan chia nhau vai đào chính trên sân khấu đoàn hát Hoa Anh Đào - Kim Chưởng trong các vở Mặt trời đêm, Người Nhện xám, Kim Long thần chưởng, Thoại Khanh Châu Tuấn...
Năm 1961, nữ nghệ sĩ trở thành đào chính trong đoàn hát Thống Nhất của ông bầu kiêm danh ca Út Trà Ôn. Vai nữ tướng Triệu Thị Trinh trong vở Nhụy Kiều Tướng quân và vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ tướng Cờ Đào đem đến cho Diệu Hiền danh hiệu "Đệ nhất đào võ cải lương" thời bấy giờ.
Sau năm 1975, đời sống cải lương khó khăn, nghệ sĩ theo các gánh hát đi diễn tỉnh để mưu sinh. Năm 1979, một tai nạn do hỏa hoạn đã khiến tay trái của bà hỏng nặng. Kể từ đó Diệu Hiền ít tham gia các đoàn hát, sống lặng lẽ cùng gia đình.
Bà kết hôn với nghệ sĩ Út Hậu nhưng hai người chia tay sau một thời gian ngắn chung sống. Trong 5 người con của bà, chỉ có hai người lập gia đình, một người con gái về ở nhà chồng. Số còn lại - 10 nhân khẩu - đều nương tựa vào căn hộ đã xuống cấp, chưa đầy 70m2 mà bà tích cóp mua được từ hơn 20 năm trước. Nhường phòng cho các con, không gian riêng của bà là khu cơi nới ngoài ban công, chỉ khoảng 7 m2, được che chắn bởi những tấm ván ép. "Căn phòng" không có tài sản gì quý giá ngoài những tấm ảnh chân dung hồi trẻ của nghệ sĩ, bàn thờ Phật, chiếc cassette nhỏ và một ít vật dụng cá nhân. Bà ngủ trên chiếc chiếu nhỏ trải trên sàn. Những hôm mưa lớn hắt vào phòng, nghệ sĩ lại ôm chiếu vào sâu trong nhà lánh nạn.
Hai con trai nghệ sĩ chơi nhạc tại các quán bar, nhà hàng để kiếm sống, hai con gái theo nghiệp cầm ca của mẹ nhưng hiếm khi có show. Có thời gian, Diệu Hiền từng đi hát phòng trà, quán nhậu để kiếm tiền nuôi con và trị bệnh. Những năm gần đây, bệnh tật trở nặng, không đi hát được, bà sống nhờ vào khoản trợ cấp 150.000 đồng mỗi tháng của Ban Ái hữu nghệ sĩ thành phố, từ lòng hảo tâm của các nghệ sĩ đồng nghiệp và học trò. "Tôi xác định không đòi hỏi gì ở các con. Chúng tự nuôi được nhau là tốt lắm rồi", Diệu Hiền chia sẻ.
Nữ tướng Triệu Thị Trinh múa gươm như gió trên sân khấu năm xưa, giờ là một bà lão lưng còng bởi di chứng của bệnh tim và bệnh gai cột sống.
Cuối đời nghèo khổ, bệnh tật nhưng Diệu Hiền không tỏ ra bi quan, chán nản. Bà vẫn nhắc tới cải lương bằng niềm hứng khởi và say mê hiếm thấy. Bà vẫn nhớ từng chi tiết, từ những ngày đầu bước chân vào nghiệp cầm ca cho tới những vai diễn làm nên tên tuổi của mình.
"Vai diễn đầu tiên của tôi trên sân khấu là thế chân cho một chị đào chính, vì chuyện lương bổng không như ý mà đùng đùng bỏ đi. Đó là vai nữ chúa trong vở Cánh chim bằng. Không ngờ lần đó thành công quá, khán giả cuốn tiền vô quạt tung lên sân khấu cho tôi ào ào", nghệ sĩ nhớ lại.
Mới đây, dù rất yếu, bà vẫn lên sân khấu hướng dẫn võ thuật cho các diễn viên trẻ. "Hôm đó, học trò mời tôi đến xem tổng duyệt vở Mỹ nhân phá án. Đây là vở diễn sử dụng nhiều pha đánh võ, tôi ngồi dưới thấy tụi trẻ tập vở lóng ngóng quá, không đừng được, phải nhảy lên hướng dẫn. Tuồng võ mà động tác không dứt khoát, mạnh mẽ, không toát lên được cái oai phong của nhân vật thì ai xem cho nổi", Diệu Hiền tâm sự.
Với cuộc sống, nghệ sĩ chọn cách đối mặt với thực tại để sống thanh thản những ngày cuối đời.
Em gái nghệ sĩ - sống cùng nhà - cho hay, Diệu Hiền là người quan tâm và chăm lo tới từng người thân trong gia đình. "Chị thương anh chị em trong nhà lắm. Trước thấy tôi đi dạy học vất vả, chị ấy kêu tôi nghỉ ở nhà để mình lo. Giờ không đi hát, không có tiền nữa, chị vẫn kêu tôi ở cùng", người em gái nói.
Hiện tại, NSƯT Diệu Hiền tìm niềm vui tuổi già nơi cửa Phật. Từ lâu bà cùng một người con gái tu tại gia và chỉ đứng hát trên sân khấu nhà chùa vào mỗi dịp ngày rằm, đầu tháng. "Tôi luôn mong được ra đi theo Phật sớm ngày nào hay ngày ấy. Mọi vinh quang, đau khổ, hạnh phúc ở đời tôi đều đã nếm trải, nên không còn gì để lưu luyến", nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Đại diện Ban Ái hữu nghệ sĩ TP HCM cho biết, trường hợp của NSƯT Diệu Hiền đã được Ban đưa vào danh sách nhận trợ cấp từ Thành ủy dành cho những nghệ sĩ già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. "Cô Diệu Hiền có nhiều đóng góp với nghệ thuật cải lương nên xứng đáng nhận được sự quan tâm từ Hội nghệ sĩ và Thành ủy. Tuy nhiên khoản trợ cấp này chỉ áp dụng với các nghệ sĩ từ 70 tuổi trở lên. Hy vọng năm tới, cô được Thành ủy phê duyệt số tiền trợ cấp 1,5 triệu đồng mỗi tháng", vị đại diện này cho biết.
Châu Mỹ