Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Bảng chuyển tới sống cùng gia đình Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Lực - con trai ông - trong căn hộ nhỏ tại Hà Nội khoảng một năm nay. Ngày thường, vợ chồng con trai đi làm, các cháu đi học, NSND Trần Bảng ở nhà một mình với sự hỗ trợ của giúp việc. Tuổi 92 mắt mờ, tai lãng nhưng ông vẫn tự chủ trong sinh hoạt cá nhân. So với một năm trước, nghệ sĩ trông đậm người và khỏe mạnh hơn. Ông "kêu ca": "Từ ngày chuyển qua đây, tôi tăng cân và chớm tiểu đường vì ăn đồ ngọt của lũ trẻ (các con Trần Lực)".
Nghệ sĩ chẳng mấy khi ra ngoài tụ họp bè bạn bởi hội đồng niên của ông giờ như "bóng chim tăm cá". Số ít thì nằm liệt, phần nhiều đã khuất núi. Hơn nữa vợ ông vừa tạ thế nên việc đi đâu đó có đôi, có cặp cũng không còn. Dạo gần đây, NSƯT Trần Lực mua cho ông chiếc Ipad để tiện theo dõi tin tức, NSND Trần Bảng nhờ con lập tài khoản facebook, kết nối thành viên trong nhà. Tay run, ông chậm rãi vào phòng lấy ra chiếc Ipad. Trang cá nhân có nickname "Bang Tran" đỏ rực tin nhắn và lời mời kết bạn chờ phản hồi. Nghệ sĩ khoe vừa kết thêm rất nhiều bạn mới. "Họ đều là học trò, người quen, người mê chèo không có điều kiện đến nhà nên hay hỏi thăm tôi qua facebook. Hễ có ai gửi lời kết bạn, ông già này đồng ý luôn vì cái tính thích đông vui", nghệ sĩ nói.
Nhà ba thế hệ chung sống, không ít lần có "va chạm" vui. Chuyện thường xuyên xảy ra là ông và cháu nội - Trần Bách (bảy tuổi) - tranh nhau dùng Ipad. Ông khen cậu bé thông minh và khôn ranh. Có lần, Trần Bách nằm cạnh, hát ru và chờ ông ngủ say rồi lấy máy về phòng chơi. Tỉnh dậy, nghệ sĩ tìm Ipad khắp phòng nhưng không thấy. Cuối cùng, NSƯT Trần Lực phải vào cuộc "điều tra", giải quyết vụ việc.
* NSND Trần Bảng cập nhật tin tức qua facebook
Không khí trong nhà thường xuyên nháo nhác, vui nhộn là vậy nhưng NSND Trần Bảng vẫn có khoảng trầm của riêng mình. Ông ngậm ngùi nhớ vợ quá cố và cho rằng bản thân sống quá lâu nên cảm nhận mọi thứ dần nhàm chán. Thời gian chưa chuyển đến nhà con trai, NSND Trần Bảng sống với vợ tại căn nhà nhỏ trên phố Giảng Võ (Hà Nội). Mọi sinh hoạt gia đình thường ngày đều do một tay cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân quán xuyến. Để chồng yên tâm nghiên cứu chèo, hai con được chăm sóc đủ đầy, bà quyết định bỏ nghề diễn, về giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. “Nhớ và biết ơn bà ấy nhưng tôi để trong lòng, ít tâm sự với các con vì đứa nào cũng bận”, ông nói.
Trong phòng riêng, NSND Trần Bảng có giá sách đựng nhiều tác phẩm văn học và sân khấu. Những cuốn sách đã ngả màu thời gian được ông xếp ngay ngắn, ngăn nắp. Mấy năm trở lại đây, nghệ sĩ dành nhiều quan tâm đến sách thiền. Ông tìm trong đó sự thư giãn về thể trạng lẫn tinh thần. NSND Trần Bảng cho hay ở tuổi của ông không còn ham thích với sự tiện nghi trong cuộc sống. Trong cảm nhận của ông, các loại hình nghệ thuật giải trí đương thời ngày càng bão hòa. Nghệ sĩ than: “Cuộc đời cứ thấy cũ rích, chán thật”.
Vừa rồi, nghệ sĩ thấy vui hơn khi con trai - NSƯT Trần Lực - lập đoàn kịch riêng, nối nghiệp sân khấu của bố mẹ. Tự hào vì khán giả đón nhận hướng đi mới của con trai, NSND Trần Bảng cũng có chút "kể công": "Nó đọc sách tôi vì chèo là sân khấu ước lệ. Thằng này nó nhà nòi, hưởng gen từ bố mẹ nên tiếp thu vốn văn hóa cổ rất nhanh". Nghệ sĩ Trần Lực tuổi gần 60 nhưng trong mắt bố, anh vẫn như đứa trẻ. NSND Trần Bảng thương con trai làm việc mải miết bên ngoài, thường về muộn nên dạo này trông gầy hơn.
Hơn 30 năm rời xa sân khấu chèo, không vướng víu những công việc của nhà nghiên cứu nhưng nghệ sĩ vẫn bận rộn, tâm huyết góp ý chuyên môn cho nhóm học sinh thường xuyên qua nhà. Có khi, nhóm chèo tụ lại nhà ông đến khuya mới tan chỉ để nghe nghệ sĩ góp ý, chỉnh sửa động tác. Thi thoảng, cuộc trò chuyện với nghệ sĩ bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại. Học trò trung niên của ông vừa dựng vở chèo nhưng chưa đặt được tên phù hợp. Anh nêu ra các ý kiến để “ông trùm chèo” tư vấn và chọn thay.
Gọi "trùm chèo" là bởi ông thuộc thế hệ đầu tiên khôi phục nghệ thuật chèo dần mai một trước phong trào Âu hóa những năm 1950. Bên cạnh đó, NSND Trần Bảng vừa là đạo diễn, nhà soạn giả, vừa là nhà nghiên cứu, lý luận chèo.
Cả đời làm chèo, vở diễn mà nghệ sĩ dành nhiều tình cảm nhất là Quan Âm Thị Kính. Tác phẩm được ông phục hồi ba lần vào các năm 1957, 1968 và 1985. Sau mỗi lần, NSND Trần Bảng nhận ra Thị Kính không phải là phụ nữ mềm yếu, thụ động cam chịu những oan trái, khổ nạn hay hình tượng dầm dề nước mắt. Thị Kính cho thấy dù oan khiên, bất hạnh cũng không mất lòng trắc ẩn, sự vị tha của con người.
Đầu những năm 1950, nghệ sĩ tham gia viết và diễn kịch trong Đoàn văn công nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc. Đoàn khi đó được chia làm ba tổ, hội tụ nhiều tên tuổi lão làng như Thế Lữ, Song Kim (tổ kịch), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn, Thái Ly (tổ ca múa nhạc), Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam (tổ chèo). NSND Trần Bảng giữ vai trò tổ phó tổ kịch. Trong bối cảnh đoàn cần những tác phẩm đặc sắc phục vụ hội nghị quan trọng của Trung ương, năm 1953 ông phối hợp nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương dựng vở Chị Trầm - vở chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng. Sau thành công của vở diễn, ông viết nhiều kịch bản chèo như Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng, Chuyện tình 80 năm, Máu chúng ta đã chảy...
Nhìn vào sự phát triển của loại hình nghệ thuật truyền thống này hiện nay, NSND Trần Bảng lạc quan vì nhiều câu lạc bộ được lập ra, lớp diễn viên không chuyên dày dặn và sinh hoạt văn hóa chèo ở các địa phương được dấy lên thành phong trào. Ánh mắt ông ánh lên niềm vui khi nói về thế hệ trẻ biết yêu nghệ thuật truyền thống và gìn giữ vốn văn hóa cổ của cha ông.
Trọng Trường