Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Dũng qua đời sáng 17/9 tại TP HCM sau nhiều tháng chống chọi với bệnh xơ gan, suy thận. Sự ra đi của ông khiến nhiều đồng nghiệp, học trò thảng thốt, dẫu biết những năm cuối đời, sức khỏe của ông đã dần suy kiệt. Hơn nửa thế kỷ làm nghề, ông để lại gia tài là những vai diễn chuẩn mực, sắc nét trên màn ảnh, cùng một nhân cách lớn qua năm tháng miệt mài cống hiến với nghề giảng dạy.
NSND Thế Anh - một đồng nghiệp cùng thời với Đoàn Dũng - vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết người bạn thân rời xa cõi tạm. Ông và Đoàn Dũng từng học chung lớp diễn viên khóa đầu tiên của trường Nghệ thuật sân khấu I (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Gắn bó từ những ngày đầu vào nghề, với Thế Anh, cố nghệ sĩ là một tài năng hiếm hoi trong làng sân khấu - điện ảnh. Ở mảng kịch nói, ông ghi dấu bằng lối diễn đa dạng, biến hóa qua các vở Chuông đồng hồ điện Kremlin, Vụ án người đốt đền... Trên màn ảnh, Đoàn Dũng đóng đinh nhân vật trong những tác phẩm kinh điển như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Thủ lĩnh áo nâu...
Thế Anh và Đoàn Dũng từng cùng ngồi ghế giám khảo nhiều liên hoan phim ảnh lẫn kịch nói. Ông nhận xét, Đoàn Dũng say mê với nghề đến mức có lúc quên cả gia đình. Ông sẵn sàng tỏ thái độ nếu thấy đồng nghiệp khác làm nghề một cách sai trái. Lần gặp gần nhất, Đoàn Dũng còn rủ Thế Anh cùng dự Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) vào tháng 10 tới. "Nào ngờ, căn bệnh quái ác tiến triển nhanh quá. Ông ra đi khi còn nhiều dự định ấp ủ", Thế Anh cảm thán.
Tên tuổi Đoàn Dũng có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên miền Nam, khi ông giữ chức hiệu trưởng trường Sân khấu - Điện ảnh TP HCM vào thập niên 1990. Lý Hùng - một trong những diễn viên từng thụ giáo Đoàn Dũng - xem ông như người cha thứ hai của anh. Ký ức về sự giản dị của người thầy khắc sâu vào lòng Lý Hùng. Năm 2010, anh mời cố nghệ sĩ tham gia phim lịch sử cổ trang Tây Sơn hào kiệt do hãng phim của cha anh - NSND Lý Huỳnh - sản xuất.
Thời đó, đạo cụ hóa trang của đoàn làm phim còn thiếu thốn. Lý Hùng đề nghị nghệ sĩ Đoàn Dũng cạo một nửa đầu để đóng vai Tôn Sĩ Nghị, một đại thần nhà Thanh. Thoáng bất ngờ, song ông vẫn nhận lời vì cho rằng đó là trách nhiệm của một diễn viên. Cảm động trước sự nhiệt huyết của người thầy, Lý Hùng kể lại câu chuyện đó cho các diễn viên trẻ trong đoàn. Khi phim bấm máy, các diễn viên đóng vai lính nhà Thanh đều cạo đầu hóa trang như Đoàn Dũng. Hai tháng rong ruổi cùng đoàn phim ở Quy Nhơn, Bình Dương... Đoàn Dũng luôn dốc sức cho nhân vật. "Tôi nhớ có lần quay cảnh chiến trận, Tôn Sĩ Nghị tháo chạy cùng một con ngựa. Vì lo cho sức khỏe của ông, chúng tôi nói chỉ cần diễn cảnh nhân vật dắt ngựa chạy, nhưng ông phản đối, bảo rằng muốn diễn thật nhất. Vậy là ông tập làm quen với con ngựa đến thuần thục để phục vụ cảnh quay", Lý Hùng kể.
Suốt những năm tháng trên giảng đường, Đoàn Dũng trở thành tấm gương với tác phong làm việc hết mình, hòa đồng với hậu bối, không nề hà vai vế giữa thầy và trò... Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng theo học lớp diễn xuất do nghệ sĩ Đoàn Dũng giảng dạy. Anh vẫn nhớ thầy Đoàn Dũng khi ấy rất mực thương học trò, nhất là anh và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - hai học viên nhỏ tuổi nhất khóa năm đó. Năm Quang Dũng thi tốt nghiệp, thầy rất lo cho anh vì kinh nghiệm còn non nớt, tính cách lại có phần bất cần. Sau khi thi xong, anh và Vũ Ngọc Đãng đạt số điểm cao, nỗi lo lắng trong lòng thầy mới vơi đi phần nào. Những năm gần đây, trong những lần hiếm hoi gặp thầy, anh vẫn được ông hỏi han, dặn dò như cậu sinh viên năm nào.
Nhiều nghệ sĩ khác dẫu chưa từng học lớp của Đoàn Dũng vẫn xem ông là người thầy đáng kính trong nghề. Diễn viên Hồng Ánh từng đóng cùng cố nghệ sĩ trong Nàng Hương - chị đóng vai con gái của ông. Sau bộ phim, Hồng Ánh trân trọng gọi ông là "bố". Khi chuyển sang làm đạo diễn, Hồng Ánh có dịp gặp ông nhiều hơn trong các buổi hội thảo về điện ảnh, sân khấu. Chị luôn quý cá tính bộc trực của ông, không ngại nói ra thực trạng của phim ảnh Việt. Mỗi dịp hội họp, chị và các nghệ sĩ trẻ thường đùa nhau nhờ "bố" Đoàn Dũng lên tiếng nói thay về những vấn đề nổi cộm, vướng mắc trong ngành. Với uy tín cùng sự quyết liệt, thẳng thắn, ông là tiếng nói đại diện cho đông đảo nghệ sĩ mỗi dịp gặp cơ quan quản lý.
Có lần, gặp nhau trong một sự kiện, thấy Hồng Ánh lo lắng thăm hỏi, ông động viên rằng mình chỉ mắc các bệnh tuổi già như cao huyết áp, tiểu đường... Mang trọng bệnh, đôi chân ông vẫn thoăn thoắt tham gia các buổi họp, festival trong nghề. Hồi tháng tư, ông còn giữ vai trò giám khảo Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc, trước khi nhập viện điều trị vào tháng sáu. "Dẫu biết sinh lão bệnh tử là lẽ thường ở đời, tôi chưa bao giờ nghĩ thầy sẽ ra đi nhanh đến thế", chị chia sẻ.
Linh cữu của ông được quàn tại Nhà tang lễ TP HCM. Lễ viếng sẽ diễn ra vào ngày 18/9 và động quan vào ngày 19/9, sau đó, ông được hỏa táng ở Bình Hưng Hòa.
NSND Đoàn Dũng tên thật là Nguyễn Anh Dũng, sinh năm 1939 ở Hà Nội. Ông được nhà nước phong tặng các danh hiệu: Nghệ sĩ Ưu tú đợt một năm 1984, Nghệ sĩ Nhân dân đợt thứ tư năm 1997... Ông là sinh viên khóa đầu tiên của trường Nghệ thuật sân khấu I (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Ra trường, ông được điều về hoạt động tại Nhà hát kịch Việt Nam, sau đó trở thành Phó giám đốc nhà hát.
Ông từng tham gia một số phim nổi tiếng như: Rừng O Thắm, Thủ lĩnh áo nâu, Biển lửa, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Dòng sông thơ ấu, Ngõ hẹp... Ông giữ chức vụ hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM từ năm 1996, đến 2000 thì về hưu.
Mai Nhật