Tối 11/11, đêm nhạc kỷ niệm 50 năm ca hát của NSND Quang Thọ diễn ra ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Trước giờ biểu diễn, hơn 1.000 chỗ ngồi trong khán phòng chật kín. Người xem chủ yếu thuộc lứa tuổi trung niên.
Điểm nhấn của đêm nhạc là màn "tái ngộ" với cố Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung - người mà Quang Thọ gọi là "khách mời đặc biệt, được bật mí vào phút chót". Cuối chương trình, giọng hát khỏe, sáng của Lê Dung bất ngờ vang lên qua ca khúc Những ngôi sao ca đêm. Một số khán giả lớn tuổi rớm nước mắt xúc động. Tiết mục được làm mới qua bản phối của nghệ sĩ Lưu Hà An.
NSND Quang Thọ kể ông và Lê Dung cùng sinh ra và lớn lên ở vùng mỏ Quảng Ninh. Hai người có nhiều điểm tương đồng trong sự nghiệp. Cặp song ca trưởng thành qua phong trào văn nghệ quần chúng ở mỏ than Cọc Sáu, hát cho các chiến sĩ ở Trường Sơn khói lửa và có thời gian dài gắn bó với sự nghiệp trồng người ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Quang Thọ tâm sự Lê Dung là người song ca ăn ý với ông nhất. Năm 1994, hai nghệ sĩ thực hiện liveshow Một thời và mãi mãi. Chương trình được ghi lại, phát hành đĩa năm 2008, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2001, khi NSND Lê Dung bị tai biến và qua đời, NSND Quang Thọ đang ở Pháp. Vợ ông là người trực tiếp chăm sóc cố nghệ sĩ.
Liveshow diễn ra trong gần ba tiếng, khắc họa các dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của nghệ sĩ từ khi là anh thợ mỏ đến lúc là danh ca. Giọng opera hàng đầu Việt Nam mở màn với ca khúc Tôi là người thợ lò của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông trình diễn với tinh thần hào sảng, thể hiện tình yêu nồng nàn với quê hương Quảng Ninh. Quang Thọ trở thành công nhân khi mới học hết lớp tám, do gia đình khó khăn. Nhờ tài năng thiên bẩm, ông sớm trở thành hạt giống văn nghệ vùng mỏ. Quang Thọ chia sẻ ca khúc là lời tri ân đến đồng nghiệp cũ - những khán giả đầu tiên chắp cánh cho sự nghiệp ca hát của ông.
Loạt ca khúc Lá đỏ, Bình Trị Thiên khói lửa, Giai điệu Tổ quốc... gợi nhớ thời kỳ Quang Thọ hát phục vụ các chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. "Rời đất mỏ năm 1971, tôi lên đường ra chiến tuyến, một vai mang khẩu súng AK, bên còn lại vác cây đàn guitar. Tôi đã gặp không biết bao khuôn mặt, hát hàng trăm ca khúc. Tôi không còn nhớ nổi", nghệ sĩ tâm sự về hai năm hoạt động văn nghệ trên chiến trường. Các ca khúc nhạc đỏ trong chương trình được phối theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ tinh thần hào hùng.
Ngoài các ca khúc nhạc đỏ, tiền chiến, NSND Quang Thọ còn thể hiện nhiều khúc tình ca lãng mạn. Giọng opera hàng đầu Việt Nam hát Đêm Hạ Long biển hát (Lê Đăng Vệ), Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang), Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn - Từ Linh)... với cảm xúc dạt dào trong giai điệu. Ông tình tứ khi thể hiện Hãy đến với anh - ca khúc chủ đề của đêm nhạc - cùng Khánh Linh. Nghệ sĩ Nhân dân tâm sự ông chọn tên này cho liveshow vì muốn mang đến nét trẻ trung, thu hút khán giả nhiều lứa tuổi. Trong ca khúc nhạc Nga lời Việt Chiều hải cảng, nghệ sĩ cùng Đăng Dương, Trọng Tấn gợi ra hình ảnh lãng mạn của biển, bãi cảng, những con thuyền ra khơi. Ở tuổi 70, nghệ sĩ vẫn giữ được giọng hát dày, vang, làn hơi khoẻ. Cách xử lý ca khúc của ông linh hoạt qua từng bài, khi mạnh mẽ, lúc dịu dàng.
Các khách mời tạo thêm nhiều màu sắc cho đêm nhạc. Đăng Dương, Trọng Tấn thể hiện nét hùng tráng qua các ca khúc Bình Trị Thiên khói lửa, Sông Đăkrông mùa xuân về. Tùng Dương ma mị với Trên đỉnh Phù Vân, Hò biển. Khánh Linh, Tân Nhàn, Lan Anh tạo nét nhẹ nhàng với Họa mi hót trong mưa, Tình ta biển bạc đồng xanh, Cây vĩ cầm. Đều là những học trò được NSND Quang Thọ dìu dắt trên giảng đường và ngoài sân khấu, các ca sĩ ít nhiều ảnh hưởng bởi cách nhả chữ rõ ràng, tinh thần hào sảng và nét trữ tình trong giọng hát của ông. Đêm nhạc kết thúc với liên khúc Hà Nội đêm trở gió, Tình ca người thợ mỏ do NSND Quang Thọ và các khách mời thể hiện.
Hà Thu