- Tết này bà mang đến tiếng cười cho khán giả trong vở "Tân niên song hỷ" tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM). Bà nghĩ gì về một cú hích để làng hài kịch bừng sáng trở lại sau thời gian bị game show tấn công?
- Tôi lại nghĩ khác. Khán giả xem hài kịch khác khán giả xem game show. Lâu nay điều này cứ lẫn lộn nên nhiều người nghĩ bên này lấn bên kia. Hài kịch là câu chuyện diễn ra liên tục, cuốn hút khán giả bằng tình huống hài hợp lý. Cái duyên xuất phát từ mỗi cá thể nghệ sĩ, quyện vào hơi thở cuộc sống mà tạo ra tiếng cười. Còn game show là trò chơi truyền hình. Nó thu hút số đông vì kéo nghệ sĩ có tiếng tăm vào cuộc chơi. Mà đã là cuộc chơi thì có quy luật. Chỗ nào vụng luật thì sẽ dở, sẽ bị chê trách và rồi kết cục khán giả quay lưng.
Hài kịch tết chỉ là giai đoạn để phục vụ khán giả những ngày xuân, cú hích phải là liên hoan sân khấu hài TP HCM như Hội Sân khấu TP HCM, Nhà văn hóa Thanh Niên từng làm. Bên cạnh tiểu phẩm, câu chuyện tấu hài nên là những vở hài châm biếm tiêu cực, nói những điều người dân đang quan tâm, tiếng cười phải có trách nhiệm điều chỉnh hành vi, cuộc sống con người. Cú hích đó sẽ làm nên diện mạo mới cho hài kịch phía Nam.
- Bà từng nói năm hết Tết đến thường nghĩ về chuyện nghề. Vậy năm nay điều gì khiến bà phải suy nghĩ nhiều nhất?
- Tôi nghĩ về việc đúc kết cho mình thêm nhiều bài học quý để hành trang đầy đặn hơn. Tôi thường ôn lại những "bí kíp" nhằm cân bằng tâm lý. Năm nay, chợt thương bà Hai Hương trong Đời cô Lựu quá đỗi. Vì nhân vật đã cho tôi một bài học sâu sắc: "Gieo hạt lành sẽ gặt trái ngọt". Tôi cũng học ở nhân vật cô Bảy Cán Vá sự lạc quan, yêu đời trong cuộc sống. Tuy là thân ở đợ, cô vẫn biết giữ thể diện. 35 năm qua, mỗi khi tái diễn hai vai này tôi đều cảm nhận sâu sắc bài học mà tác giả Trần Hữu Trang đã gửi gắm trong tác phẩm. Chính điểm son này đã giúp cho vở diễn sống mãi theo thời gian.
Tôi biết ơn và tri ân điều đó, để có thể sau thế hệ chúng tôi, các diễn viên trẻ mà hôm nay đang được sánh vai thể hiện cô Lựu, hội đồng Thăng, Võ Minh Thành... như thế hệ tôi đã làm rạng danh cải lương.
- Bà chia sẻ gì về những bài học trên chặng đường làm nghề của mình?
- Tết đến là lúc tôi ngồi ngẫm nghĩ chuyện nghề của một chặng đường quá dài cho nghiệp diễn viên. Mới đó mà đã 35 năm. Khoảng thời gian đủ để một cô bé nhi đồng trở thành phụ nữ. Vậy mà NSND Huỳnh Nga hôm xem tôi diễn hai vai bà hai Hương và Bảy Cán Vá trong Đời cô Lựu đã ví von: "Ôi, em vẫn còn thanh xuân quá!". Tôi xụ mặt, tự trào: "Vậy là em còn được giá".
Quả tình khi ra sân khấu tập, anh hai NSND Diệp Lang nói nhỏ với tôi: "Em diễn lớp bà hai Hương xúc động lắm". Tôi mừng, tiếng cười như rộn lên trong lòng. Vì ngày xưa lúc chọn danh sách diễn viên đưa vào chuyến Tây du đầu tiên tháng 2/1984, sau ngày thống nhất đất nước, nghệ sĩ Việt dám đem chuông đi đánh xứ người. Do thiếu diễn viên tôi được chọn đóng hai vai. Ban đầu trong kịch bản là vai ông Hai Hương do nghệ sĩ Ba Vân diễn. NSND Huỳnh Nga đã đề nghị với má bảy NSND Phùng Há - thời đó má làm cố vấn nghệ thuật, thay vai đàn ông thành đàn bà. Thế là tôi có vai "bà già trầu" trong vở Đời cô Lựu. Lại còn thêm một cô bảy cán vá lí lắc. Tôi bê nguyên hình ảnh của má tôi vào vai bà hai Hương. Còn vai cô bảy thì tôi nghĩ đến nghệ sĩ Năm Phồi. Ông có cái nết lí lắc, dí dỏm, khôi hài và cái tay cán vá là tôi cố sáng tạo để làm cho cô bảy giúp việc khác với tất cả các nhân vật mà tôi đã diễn.
Kinh nghiệm của nghệ sĩ đúc kết mỗi ngày. Được dịp thì đem ra dùng. Cái chính là con mắt quan sát cuộc sống, nhưng tuyệt nhiên đừng biến mình thành cái máy hút bụi, mà phải biết chọn lọc.
- Từ lĩnh vực cải lương bà còn rẽ sang kịch nói, rồi diễn hài. Vì sao bà có sự chuyển hướng này?
- Tôi chuyển sang kịch nói vì sàn diễn cải lương co cụm lại suốt 30 năm rồi. Để cứu mình, để sống được sau thời gian mở sạp bán vải tại chợ Bến Thành, tôi đến với sân khấu kịch Sài Gòn của Phước Sang diễn. Rồi tham gia diễn hài kịch. Năm qua sau chuyến đi Mỹ du lịch và tham gia một vài suất hát bổng cảm thấy nhớ chiếc nôi của mình. Tôi được bà con Việt kiều nhắc nhở những điều mà người trong nước mỗi lần gặp vẫn thường nói: "Ngọc Giàu không chịu hát cải lương. Tụi tôi thích nghe cô ca vọng cổ lắm". À, hóa ra lâu nay mình sống bằng sở đoản, vậy mà chẳng thèm được một lần quay về.
Rõ ràng mấy khi Nhà hát Trần Hữu Trang tái diễn vở Đời cô Lựu, tôi nhường nghệ sĩ Hồng Nga diễn bà hai Hương, còn tôi với NSƯT Bảo Quốc chỉ "quậy" lớp thợ bạc dê Bảy Cán Vá. Sang Mỹ diễn, tôi tham gia nhiều suất. Duy nhất suất diễn trích đoạn "Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga" với NSND Bạch Tuyết, còn lại tôi, NSƯT Phương Hồng Thủy, Út Bạch Lan, nghệ sĩ Linh Tâm, NSƯT Thoại Mỹ... ca lẻ.
Tôi đã làm sống lại trong tôi một hồi ức quá đẹp về bản Phụng Hoàng. Đó là lớp Hương gặp phải bi kịch của đời mình. Hương nhìn Tùng cưới vợ, mà người vợ trẻ đó lại là em ruột của mình. Từ chuyến đi Mỹ về tôi tự dưng thèm ca vọng cổ. Thế là vừa rồi vào Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, nơi mấy phen thất vọng vì mời tôi thu băng để thu một lèo 16 bài. Tôi cảm thấy nhớ câu thơ tôi đã đọc ở đâu đó: "Người ta có rất nhiều nơi để đến, Chỉ có một nơi thân thiết để quay về". Cải lương chính là nơi chốn mà tôi phải quay về. Nơi đó thân thương, trìu mến và cũng là nơi mang tới những nguồn cơn đau khổ. Nhưng tôi vẫn phải quay về.
- Đứng trước dấu mốc 100 năm sân khấu cải lương, bà kỳ vọng điều gì?
- Quá nhiều việc cần phải chỉnh đốn. Nhiều hội thảo, nhiều cuộc gặp gỡ nghệ sĩ chỉ để nghe mà chưa có động thái tích cực nào để vào cuộc cứu sàn diễn cải lương. Đừng nhầm lẫn giữa sàn diễn hiu hắt mà đánh giá nghệ thuật cải lương chết. Chiến lược phải có trong việc đào tạo nguồn nhân lực mà công tác quản lý, lãnh đạo có tầm mới là điều mà nghệ sĩ chúng tôi cần. Hồi đó chú sáu Thảo (ông Dương Đình Thảo, giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP HCM) chăm lo cho đời sống nghệ sĩ cải lương, đi sâu đi sát với các đoàn, nên cải lương hưng thịnh.
Vừa rồi rộ lên chuyện lãnh đạo TP HCM có kế hoạch đưa cải lương ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, tôi cho rằng nếu đó là sự kiện văn hóa thì nên làm, còn để duy trì hoạt động thường xuyên thì cải lương phải vào các rạp. Cải lương phải được đặt đúng thánh đường của mình, không thể diễn miễn phí mãi. Điều này cần sự tư vấn của nhiều nhà chuyên môn, để tạo cú hích thật sự cho cải lương ở tuổi hơn 100 năm.
- Bà nghĩ gì về chuyện sau này sang Mỹ định cư với con gái?
- Con gái tôi đã nhiều lần đề nghị, nhưng tôi chỉ thích sang Mỹ du lịch, biểu diễn rồi kết hợp thăm con cháu. Lớn tuổi rồi sống xa sân khấu buồn lắm. Đi đi về về như vậy cũng đủ để vui cùng gia đình, cùng khán giả kiều bào và công chúng trong nước đã quá thương yêu tôi. Ngày nay, cháu cũng về thường xuyên để đón tết với gia đình. Tổ còn cho được ca diễn thêm bao nhiêu năm nữa thì cứ đón nhận. Bây giờ mỗi lần gặp các con là nghệ sĩ thì chúng bảo má không được ăn nhiều, tránh dầu mỡ. Đi ăn chung thì tôi bị "quản lý" chặt chẽ lắm. Trấn Thành hay liếc tôi mỗi khi thấy tôi ăn quá nhiều chất đạm. Hoài Linh thì cười toe tét gắp rau cho má ăn có nhiều chất bổ dưỡng. Tết vậy là vui rồi. Vào hậu trường có đủ các món ngày tết, cả nhà ăn tết như trong gia đình. Ngày tết vừa được gặp con cháu nghệ sĩ, vừa được gặp khán giả thân thương.
Quý Thanh thực hiện