Từ khi Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê nhập viện và bệnh tình ngày càng nguy kịch, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương cùng nhiều người thân thiết của ông lúc nào cũng trong tinh thần chuẩn bị cho ngày ông ra đi. Thế nhưng, tin Giáo sư Khê qua đời vào rạng sáng 24/6 vẫn khiến nữ nghệ sĩ hụt hẫng.
Bà nói: "Từ ngày mẹ tôi (Nghệ sĩ Nhân Dân Bảy Nam) qua đời, tôi còn có mỗi anh Trần Văn Khê để tâm sự về chuyện ngày trước, học hỏi anh về chuyện đời, chuyện nghề. Giờ anh mất rồi, tôi thấy mình mất đi điểm tựa tinh thần rất lớn".
Về tuổi đời, Giáo sư Khê là bạn với Nghệ sĩ Nhân Dân Bảy Nam. Tuy vậy, trong đời thường, ông xem Kim Cương là em gái nhỏ. Bà gọi ông với danh xưng thân thuộc "Anh Hai". Nhắc đến người anh lớn, nữ nghệ sĩ dành nhiều tình cảm và sự trân trọng. Vào những năm 1960, bà cùng Nghệ sĩ Nhân Dân Phùng Há được mời sang Pháp biểu diễn tuồng cổ, có dịp theo chân Giáo sư Khê biểu diễn minh họa cho các bài thuyết trình của ông về nghệ thuật ca kịch của Việt Nam như hát tuồng, chèo và cải lương.
Với Kim Cương, những buổi biểu diễn ấy để lại kỷ niệm đẹp trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Bà được chứng kiến sự uyên bác và sức hấp dẫn của Giáo sư Khê khi ông đứng trước cử tọa toàn là giới chuyên môn âm nhạc cổ truyền. Có lần, tại một hội nghị quốc tế ở Hamburg, Đức, sau phần thuyết trình của Giáo sư Khê, bà và nghệ sĩ Phùng Há diễn tuồng Lữ Bố hí Điêu Thuyền khiến hàng trăm người rất thích thú, liên tục dành những tràng pháo tay tán thưởng và xuýt xoa khen ngợi trình độ kịch nghệ Việt Nam. Sau đêm diễn, Kim Cương, Phùng Há và Giáo sư Khê không về khách sạn ngay mà cùng nhau đi lang thang đến tận khuya dưới trời tuyết rơi. Cả ba vừa đi vừa hát, vui đùa bên nhau vì ai cũng quá phấn khích khi giới thiệu thành công nghệ thuật cổ truyền trên xứ người.
"Khi theo anh Khê đến các hội nghị, tôi chú ý thấy thường mới bắt đầu thì đoàn nào cũng được đối xử như nhau. Nhưng sau phần thuyết trình, diễn giải của anh Khê là thái độ của mọi người, nhất là giới chuyên môn dành cho đoàn Việt Nam trở nên khác hẳn. Họ đều công nhận đoàn Việt Nam là nhất. Họ rất quý trọng kiến thức, lối thuyết trình thuyết phục của anh Khê và đối đãi hết sức trọng thị nghệ sĩ Việt", Kim Cương kể.
Những năm đầu sang Pháp, Kim Cương là cô gái trẻ còn nhiều bỡ ngỡ giữa trời Tây. Mọi việc bà đều được Giáo sư Khê chỉ dẫn tận tình, từ chuyện giao tiếp, cung cách làm việc, đến ý thức học tập. Ông luôn nhắc đi nhắc lại với đứa em gái: "Em phải luôn chú ý học những cái hay, cái đẹp của xứ người, nhưng không bao giờ được để mất đi tính dân tộc của người Việt Nam mình". Lời khuyên này đi theo Kim Cương suốt con đường làm nghề của bà. Sau này, bà viết rất nhiều vở kịch, và dù đó là kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học nước ngoài, bà luôn chú trọng viết làm sao để chuyển tải được tâm tư, tình cảm của người Việt. Hoàn thành được vở nào ưng ý, bà đều viết thư gửi cho ông rồi ngóng chờ "Anh Hai" nhận xét, góp ý.
Một điều Kim Cương rất ngưỡng mộ ở Giáo sư Khê là trí nhớ tuyệt vời của ông. Với bà, người anh này gần như là pho từ điển sống về các thể loại nhạc cổ truyền. Bà say sưa lắng nghe ông diễn giải về các loại đàn của Việt Nam và các nước. Bà đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi mỗi lần cần hỏi về bậc tiền bối nào trong nghệ thuật tuồng cổ miền Nam, bởi ông đều có thể diễn giải ngọn nguồn, tường tận.
Nghệ sĩ Kim Cương là một trong những người thuyết phục Giáo sư Khê trở về nước định cư sau hơn 50 năm sống, làm việc ở Pháp. Bà nhớ, có lần đến thăm ông ở căn hộ chung cư cách Paris vài chục km, bà buồn khi thấy dáng ông cặm cụi trong gian nhà chất đầy sách. Bà hiểu sự cô đơn của ông trong hơn nửa thế kỷ làm công việc nghiên cứu nơi xứ người.
Trong buổi đi ăn của hai anh em, Kim Cương thuyết phục ông về nước để được sống ấm cúng hơn. "Lúc đó, anh bảo anh không sợ về nước thiếu thốn vật chất mà chỉ sợ sức khỏe ốm đau, phải thường xuyên đi bác sĩ, lỡ về bệnh nặng không có thuốc men là chịu chết sớm. Tôi dùng mọi lời khuyên anh, nói Việt Nam giờ đã khác, bệnh viện nhiều, thuốc men không thiếu, anh cứ yên tâm về nước...", Kim Cương nghẹn ngào nói.
Từ khi Giáo sư Khê về nước sinh sống, nghệ sĩ Kim Cương có thêm người bạn lớn để hàn huyên, tâm sự nhiều chuyện buồn vui chuyện cuộc sống, chuyện nghề. Ông hay đọc cho bà nghe những bài thơ tự sự về thân phận, tình yêu. Bất cứ chương trình nào Kim Cương tổ chức, Giáo sư Khê cũng dành thời gian đến tham dự, góp ý kiến khen chê rõ ràng.
Đầu năm nay, Giáo sư dù ngồi xe lăn vẫn nhiệt tình đến tham dự chương trình tri ân nghệ sĩ già neo đơn của cô em ở Nhà hát TP HCM. Hôm ông nhập viện cấp cứu vào cuối tháng năm, mấy lần vào thăm ông, Kim Cương không khỏi xót xa. Bà nắm tay ông dặn dò đừng quá lo lắng, đã có mọi người lo cho ông.
"Với riêng tôi, anh Khê ra đi để lại một khoảng trống lớn phía sau những người quan tâm nền văn hóa nước nhà. Mấy ngày qua, khi cùng mọi người bàn tính chuyện hậu sự cho anh, tôi mới được biết anh ở Pháp hơn nửa thế kỷ mà vẫn không nhập quốc tịch. Anh Khê là vậy, dù làm gì, ở đâu anh vẫn luôn luôn nhắc nhở mình là người Việt Nam và tự hào về điều đó", Kim Cương bật khóc.
Tròn một tháng nữa là đến dịp mừng thượng thọ Giáo sư Khê vào ngày 24/7. Dịp này hàng năm, nghệ sĩ Kim Cương và một nhóm bạn gồm vài người rất mến mộ giáo sư thường mời ông đi ăn. Lần nào ông cũng chọn ăn những món Việt Nam. "Có lần, anh Hai ăn chả cá mà dùng đến hai, ba chén mắm tôm dù huyết áp đang cao làm ai cũng lo lắng. Nhưng anh Hai là thế, từ chuyện ăn uống đến sinh hoạt, anh đậm chất Việt", nữ nghệ sĩ nói.
Kim Cương cùng những bạn bè đang chuẩn bị một bản thảo sách về cuộc đời của Giáo sư Khê qua hình ảnh. Giờ ông mất, mọi người đang tạm gác lại công việc soạn sách để chu toàn hậu sự cho ông. "Chắc chắn cuốn sách phải ra mắt trong thời gian tới. Hy vọng giới trẻ và mọi người có thêm nguồn tư liệu hiểu về anh", bà nói.
* Kim Cương khóc khi nhắc đến Giáo sư Trần Văn Khê:
|
Thoại Hà