- Là người khai sinh Táo quân - Gặp nhau cuối năm, ông đánh giá thế nào về chương trình sau 15 năm phát sóng?
- Tôi nghĩ sau chặng đường dài, Táo quân vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ, là chương trình giải trí chất lượng cao. Theo tôi có hai trường phái hài: hài giải trí và hài bác học. Táo quân có thể xếp vào hàng hài bác học. Êkíp thực hiện mỗi năm chỉ làm một lần, đầu tư nhiều tiền bạc, công sức để cho ra một chương trình hoành tráng. Tiếng cười trong Táo quân vì thế mang ý nghĩa thậm xưng, gửi gắm nhiều thông điệp về kinh tế, xã hội trong suốt một năm.
Dù vậy, qua nhiều năm, Táo quân chưa đột phá. Chương trình được chỗ này nhưng chưa được chỗ kia. Nhiều lần, tôi đi xem ghi hình trực tiếp thấy vui, cười nhiều hơn. Khi lên sóng, do thời lượng hạn chế và nhiều yếu tố, những đoạn hay bị cắt bớt, ảnh hưởng đến tổng thể chương trình, khiến người xem cảm thấy chưa đã.
- Ông nghĩ sao khi chương trình vài năm gần đây bị chê nhạt, kém hấp dẫn?
- Từ khi tôi nghỉ hưu, 10 năm nay, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chịu trách nhiệm sản xuất. Anh ấy lao động cật lực để tạo ra một chương trình ý nghĩa trong đêm 30 Tết. Sau chừng ấy thời gian, năng lượng, sức sáng tạo của anh ấy cũng giảm dần đi. Đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, chẳng ai có thể thay thế anh Hải lúc này. Khách quan mà nói, tôi thấy chương trình đang chững lại, không hay hơn mà cũng không dở đi.
- Ông thấy thế nào trước ý kiến chương trình cần thay đổi cấu trúc hoặc dừng lại?
- Tôi cảm thấy vui nếu đứa con tinh thần của mình đổi mới, lôi cuốn, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu thay đổi mà kém đi thì rất đáng buồn. Vài năm nay, VFC đưa một số diễn viên mới vào Táo quân như Minh Tít, Trung Ruồi. Tôi thấy đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần tạo làn gió mới. Tuy nhiên, một, hai diễn viên không đủ sức làm mới cả một chương trình. Vấn đề then chốt vẫn là êkíp đứng sau. Muốn đột phá phải có bộ máy mới. Tuy nhiên, có mấy đạo diễn, êkíp trẻ đảm đương được việc này?
VFC có thể làm một chương trình khác, nhưng để vượt qua Táo quân là rất khó. Nhiều người nói Táo quân nên dừng. Nhưng không làm thì làm gì, xem gì bây giờ. Không thể vì một vài ý kiến cá nhân mà chương trình dừng lại được.
- Ông mới thực hiện phim hài Tết "Cưới ngay kẻo ế" do Vượng Râu sản xuất. Điều gì thôi thúc ông quay trở lại với nghề đạo diễn?
- Tôi rảnh rỗi từ nhiều năm nay. Thế nhưng tuổi già, sức khỏe thất thường, không phải muốn làm lúc nào cũng được. Gần đây, tinh thần, sức khỏe tôi ổn định hơn. Anh Vượng có lời mời, tôi thấy hợp thì tham gia. Tôi thấy những phim hài Tết phát sóng trên mạng gần đây có cái hay riêng, tiếp cận nhiều đối tượng công chúng. Từ anh công nhân, chị nông dân cho đến những người làm văn phòng đều xem. Họ bật nó mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt trong dịp lễ Tết. Đi làm phim hài kiểu này cũng khá thú vị. Không khí trong đoàn vui vẻ, thoải mái, coi nhau như gia đình. Tôi không đặt nặng chuyện thù lao. Anh Vượng đưa bao nhiêu, tôi nhận bấy nhiêu. Tôi giờ không ở tuổi kiếm tiền, làm giàu nữa mà chỉ muốn làm những gì mình thích để tìm niềm vui.
- Nhiều phim hài Tết những năm gần đây lạm dụng các cảnh khoe thân, nhiều câu thoại tục tĩu để câu khách. Ông đánh giá sao về hiện tượng này?
- Theo tôi, đây là cách làm kém thông minh, lỗi thời. Trong thời đại internet, công nghệ thông tin phát triển, người xem có nhiều lựa chọn tốt hơn nếu muốn xem cảnh nóng.
Các đạo diễn, nhà sản xuất trẻ hiện nay khá thông minh, nhanh nhạy. Họ có nhiều cách tạo ra tiếng cười nhưng không phải cách nào cũng văn minh, phù hợp. Gần đây, khi làm cố vấn cho một kênh truyền hình, tôi loại bỏ rất nhiều kịch bản hài nhảm. Tôi quan niệm nét hấp dẫn nhất của hài vẫn là xây dựng các tình huống, tạo ra những mảng miếng gây cười. Tôi nghĩ phim, tiểu phẩm hài ngoài việc mang lại niềm vui vẫn phải truyền tải thông điệp nhân văn đến người xem.
Đạo diễn Khải Hưng sinh năm 1948. Ông tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Năm 35 tuổi, ông theo học lớp Đạo diễn khóa 2 của Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Trong 30 năm công tác ở Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, ông thực hiện nhiều bộ phim được đánh giá cao như Mẹ chồng tôi, Lời nguyền của dòng sông, Không còn gì để nói, Người tình của cha, Mặt trời bé con của tôi, Ngàn năm mây trắng... Ông cũng là người sáng lập các chương trình: Văn nghệ chủ nhật, Gặp nhau cuối tuần, Táo quân - Gặp nhau cuối năm... Con trai ông - Khải Anh - hiện là đạo diễn trẻ thành công.
Hà Thu