Họa sĩ Lê Thiết Cương - người thân thiết với đạo diễn - cho biết ông qua đời sau thời gian dài mắc bệnh tiểu đường. "Hồi tháng 6, khi tôi đến nhà thăm, sức khỏe ông yếu đi rất nhiều. Ông không uống được trà, chỉ uống nước lọc. Vốn là người nói chuyện hay, dí dỏm nhưng khi ấy, ông trầm lặng, ít nói", Lê Thiết Cương nói.
Năm 2020, ông ra mắt truyện ký Đất và người dày 500 trang, tập hợp các bài viết, tư liệu thu thập được trên hành trình làm phim, về những nhân vật lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, ông dành một phần viết về những bạn văn nghệ như Lưu Quang Vũ, Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Thi Hoàng.
Ông sinh năm 1940 tại Kiến Thụy (Hải Phòng), từng là công nhân trước khi bước sang lĩnh vực điện ảnh. Ông là người trực tiếp cầm máy quay, ghi lại thước phim về Hải Phòng những ngày bị quân đội Mỹ bắn phá. Nghệ sĩ nhiều năm công tác ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đảm nhiệm nhiều vai trò như viết kịch bản, lời bình, làm đạo diễn.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh (1940-2023). Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Ông từng giành hai giải Bông Sen Vàng cho hai phim tài liệu: Một phần 50 giây cuộc đời và Việt Nam - Hồ Chí Minh. Năm 2007, ông được trao giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 tổ chức ở Nam Định.
Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm phim tài liệu: 1/50 giây cuộc đời, Việt Nam - Hồ Chí Minh, Vũ nữ Trà Kiệu, Truyền kỳ sự thật, Hình bóng tổ tiên; Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người.
Giới phê bình đánh giá các thước phim của Đào Trọng Khánh sống động, giàu chất thơ, bởi bản thân ông là người yêu văn chương. Ông còn được biết đến là một nhà thơ với bút danh Đào Nguyễn. Cùng những bạn đồng hương như Văn Cao, Thi Hoàng, Thanh Tùng, ông góp phần thúc đẩy phong trào thơ của Hải Phòng trong những năm chiến tranh khốc liệt. Sinh thời, Đào Trọng Khánh là bạn thân với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
Trong bài Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết: "Thơ Khánh buồn như lòng đất nước. Thơ hay đời loạn chẳng đâu dùng".
Nghệ sĩ Đào Trọng Khánh có ba con trai, đều đã mất, một con gái sống ở Hà Nội. Vợ ông là người kề bên, chăm sóc chồng lúc đau yếu.
Hà Thu