Ở tuổi 70, mỗi khi trao đổi về nghệ thuật cải lương Nam Bộ, ở NSND Bạch Tuyết vẫn toát lên sự say mê. Bà hăng hái chuyện trò, nhắc lại những ký ức, chia sẻ những trải nghiệm trên chặng đường dài gắn bó với bộ môn nghệ thuật cổ truyền.
Trong các cuộc trò chuyện, điều bà tâm đắc nhất vẫn là niềm tin vào tình yêu, sự đón nhận của giới trẻ dành cho cải lương hôm nay.
Bạch Tuyết bảo cải lương là sóng ngầm, không dữ dội, ồn ào nhưng chẳng bao giờ "lạc mốt". Bà nhấn mạnh chữ "lạc mốt" chứ không phải lỗi mốt. Theo lý giải của nghệ sĩ, bản thân cải lương và những người soạn ra nó chưa bao giờ có lỗi dẫu cuộc sống hôm nay phát triển, gấp gáp, vội vã đến đâu. Chỉ có điều, Bạch Tuyết cho rằng cải lương đang cần lắm sự đổi mới và tươi trẻ hơn để phù hợp với thời đại, với người trẻ.
"Cải lương ra đời vào thời chiến tranh, theo đúng tinh thần của câu đối: 'Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh' của hai soạn giả Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu. Ông bà ta từ xưa đã hướng đến sự tiến bộ, văn minh, con cháu mình cứ theo đó mà làm".
Nữ nghệ sĩ ủng hộ những ca khúc như Vọng cổ teen, dù nó từng nhận nhiều tranh cãi, thậm chí bị gắn mác "thảm họa V-pop" một thời. Với Bạch Tuyết, khái niệm cải lương không có chỗ cho sự lạc hậu, bảo thủ.
"Ai bảo lớp trẻ bây giờ không mê cải lương là sai lầm. Mỗi người miền Nam, từ khi còn trong bụng mẹ đã biết nghe dân ca, cải lương, vọng cổ. Không mê cải lương thì sao người trẻ lại sáng tác Vọng cổ teen - một ca khúc thành hit suốt thời gian dài? Không mê dân ca thì tại sao giữa bao nhiêu ca khúc nhạc trẻ, Phương Mỹ Chi chỉ cần cất lên câu 'Không còn con sông, nước dâng tràn lên bãi bờ' đã đủ rung chuyển cuộc thi Giọng hát Việt nhí?", nữ nghệ sĩ hào hứng nói.
Chính vì tin tưởng vào lớp trẻ, ở tuổi 70, nữ nghệ sĩ vẫn truyền tình yêu cải lương cho thế hệ đi sau theo cách riêng của mình.
Bà nghiên cứu, ra đĩa, đi dạy, âm thầm hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ của nhà hát Trần Hữu Trang. Bà viết lời vọng cổ tặng ca sĩ Long Nhật. Bà cũng không ngại đóng phim ca nhạc cùng nghệ sĩ trẻ nào khi họ có nhã ý mời bà hợp tác. Mới đây, bà còn nhận lời làm giám khảo chương trình truyền hình thực tế về cải lương mới - Tài tử tranh tài.
Hỏi bà cảm giác ngồi ghế "nóng", Bạch Tuyết cười lớn: "Tôi được mời làm giám khảo, làm khách mời các chương trình khá nhiều. Nhưng trước đây đều từ chối hết vì tính tôi hèn lắm, cái gì mình không giỏi thì không dám bàn tầm bậy". Là nghệ sĩ lớn, bà luôn giữ đức tính khiêm nhường, trung thành với quan niệm bà giữ từ thời du học vào cuối những năm 1980: "càng học càng thấy kiến thức mình hạn hẹp".
Vì thế, nữ nghệ sĩ tâm sự bà chẳng dám coi thường hay phán xét về ai, vì bản thân mình quá nhỏ bé trong vũ trụ. Khi ngồi làm giám khảo chương trình truyền hình cùng Hoài Linh, Quang Linh, bà chỉ dám nhận là người bạn, người đồng hành của thí sinh. Hiện dù đã là tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên của Việt Nam, Bạch Tuyết liên tục nhắc nhở mình không bao giờ được ngừng học tập. Bà học ở cả những người trẻ: "Tôi học người trẻ ở sự cách tân cải lương cho phù hợp với khán giả hôm nay, học họ cách yêu cải lương bằng tình yêu nguyên thủy và hồn nhiên nhất. Nghe Thu Trang ca cải lương, tôi xúc động. Không phải vì Trang ca hay mà do tôi biết cô ấy phải cố gắng đến khi nào ca cải lương được mới thôi. Hay như Hoài Linh, Quang Linh nổi rần rần ở lĩnh vực của họ, nhưng ai cũng là tín đồ của cải lương từ khi mới học ăn học nói".
Nói về việc cải lương hôm nay gắn với dòng chảy của truyền hình thực tế, gameshow, nghệ sĩ vẫn tin tưởng đó là cách khán giả không quay lưng với những gì đã nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ. Bà càng thấy vui mỗi khi xem tivi, nghe phát thanh và thấy có các chuyên mục dành cho cải lương. Cả khi nghe ai đó hát karaoke có câu: "Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi!" (Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà), cả khi ca khúc kinh điển này được chuyển thể thành nhạc sôi động, bà cũng vui vì: "Cải cách cỡ nào tôi cũng ưng, vì còn yêu nhạc dân tộc là còn yêu nước. Thấy giới trẻ bây giờ chỉ chuộng nhạc ngoại, tôi lo lắm. Không có thứ nô lệ nào đáng sợ bằng nô lệ văn hóa".
Tường Nhiên