Tại cuộc họp báo chiều 22/3, ông Trần Xuân Thu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN (Vava), khẳng định nếu đơn thỉnh cầu không được xem xét thì các nạn nhân VN sẽ kháng án lên tòa tối cao Mỹ. Việc chuẩn bị đưa đơn kháng án đã được Vava, đoàn luật sư Mỹ và Hội luật gia dân chủ thế giới bàn bạc kỹ lưỡng trong các ngày 18-22/3, tại Hà Nội.
Ông Thu cho biết, VN ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của chất độc da cam. Như trong năm 2007, một phòng phân tích uy tín ở Canada đã tìm thấy nồng độ dioxin trong mẫu máu của một người dân ở Đà Nẵng vượt gấp 1.220 lần cho phép. Trước đó, một phòng phân tích tại Đức đã phân tích 50 mẫu máu của nạn nhân. Kết quả là sau 40 năm kể từ ngày Mỹ rải chất độc da cam, đến nay nhiều người vẫn mang trong mình chất độc dioxin.
Đánh giá về tương quan lực lượng giữa nguyên đơn là các nạn nhân dioxin VN và bị đơn là các công ty hóa chất Mỹ, Phó chủ tịch Vava nói: "Vụ kiện đang ở giai đoạn khó khăn, nhưng thắng thua chưa ngã ngũ". Ông cũng cho rằng các nạn nhân VN đã giành được được thắng lợi về chính trị và nhân văn khi cho toàn thế giới biết được hậu quả của hàng triệu lít chất độc hại do Mỹ rải trong chiến tranh VN.
Luật sư người Mỹ, ông Jonathan Clifford Moore, đánh giá vụ kiện đã tác động đến Chính phủ Mỹ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh tại VN. Điều đó thể hiện bằng những chuyến đi của quan chức Mỹ tới một số nơi có nạn nhân dioxin VN. Mới đây, Chính phủ Mỹ đã thông qua dự luật chi 3 triệu USD để giải quyết những vấn đề về môi trường, hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc dioxin ở Đà Nẵng.
"Tôi đã gặp với một số nghị sĩ Mỹ và biết rằng tháng 5 tới sẽ có một cuộc điều trần tại Quốc hội về vấn đề chất độc da cam, trong đó có đề cập đến VN", luật sư Moore thông tin. Ông cũng cho rằng để thuyết phục được các thẩm phán và nhân dân Mỹ, Vava nên tổ chức nhiều chuyến đi của nạn nhân chất độc da cam VN đến Mỹ.
Tháng 9/2005, sau khi có bản phán quyết của Tòa sơ thẩm Mỹ, nguyên đơn là các nạn nhân da cam/dioxin VN và bị đơn là các công ty sản xuất chất độc da cam của Mỹ đã đưa bản kháng án lên Tòa phúc thẩm Mỹ. Ngày 18/6/2007, tại tòa phúc thẩm Mỹ đã diễn ra phiên tranh tụng miệng giữa hai bên. Ngày 22/2/2008, Tòa phúc thẩm Mỹ đã tuyên bố bác đơn kiện của các công dân VN.
Các thẩm phán Mỹ cho rằng chất da cam đã được sử dụng với mục đích khai quang, chứ không như một chất độc nhằm gây hại cho người. Bên nguyên không chứng minh được rằng việc sử dụng chất da cam là vi phạm lệnh cấm dùng vũ khí hóa học trong chiến tranh, và không chứng minh được rằng bệnh tật của các nguyên đơn có liên quan đến loại hóa chất này.
Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Chính phủ Mỹ đều nộp văn bản khẳng định các công ty sản xuất chất khai hoang không phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp hóa chất cho quân đội Mỹ.
Hồng Khánh