Trao đổi với VnExpress.net ngày 16/10, ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, đã nhiều lần khảo sát làm cầu treo nối đôi bờ sông Re nhưng do quãng sông rộng hàng trăm mét nên không khả thi. Huyện đã lập dự án xây cầu kiên cố dài 160 mét, rộng 5 mét (bắc qua đoạn sông hẹp nhất), với tổng kinh phí 25 tỷ đồng nhưng ba năm vẫn chưa được duyệt.
Theo UBND xã Sơn Ba, toàn xã có 630 hộ với hơn 2.500 nhân khẩu ở bảy thôn bên bờ sông Re hàng ngày phải đu dây kéo bè vượt sông. Mỗi tháng, gia đình một học sinh nộp hai ang lúa (tương đương 60.000 đồng) để trả tiền bè đến trường.
Hàng trăm học sinh ở xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà đu dây thừng kéo bè qua sông mỗi ngày. Ảnh: Trí Tín. |
Hiện, chỉ có 36 học sinh nhà cách trường 8 km là được ở nội trú, số còn lại cách trường 2 - 6 km phải băng rừng, vượt suối, đu dây kéo bè qua sông. Người dân muốn xin giấy tờ ở xã hoặc lên nương rẫy cũng phải đu dây kéo bè vượt sông sâu.
Thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Tiểu học Sơn Ba tâm sự, do đặc thù xã vùng cao còn nhiều khó khăn, địa hình cách trở nên ngoài điểm trường chính còn có 7 điểm trường lẻ nằm bên kia sông. Tuy nhiên, do điểm trường lẻ chỉ dạy lớp 1 - 2 nên học sinh lớp 3 trở lên phải đu dây vượt sông đến điểm trường chính. Từ lâu, trường đã lập sổ vàng vận động, quyên góp từ giáo viên, các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, quần áo giúp học sinh nghèo nơi đây bám lớp, bám trường.
"Trung bình, mỗi năm các giáo viên ở 7 điểm trường lẻ phải trả cho người kéo bè hàng chục triệu đồng để được đưa qua sông. Khi mực nước lũ trên sông dâng cao thì họ không dám kéo bè, học sinh nghỉ học hàng loạt, giáo viên cũng rơi vào cảnh thất nghiệp vì lớp học trống vắng", thầy Cương nói.
Trí Tín