Ảnh minh họa: Chí Phong. |
Ăn xong bất cứ thứ gì, người ta đều tiện tay ném rác ra vườn. Thậm chí nhiều người thả rác rơi tự do qua cửa sổ, dù cửa sổ đó sát ngay phòng ngủ của họ. Từ vỏ trái cây, giấy thải loại,…đến túi ni-lông, chai nước, mảnh sứ sành, mảnh thủy tinh (bóng đèn, ly tách, gương vỡ…), tất tần tật đều “đoàn tụ” nơi đây. Một số loại rác phân hủy trong thời gian ngắn, có thể làm tăng độ dinh dưỡng của đất. Nhưng trong thời gian phân hủy của chúng giòi bọ lại xuất hiện, gây mùi hôi thối và làm ô nhiễm không gian sống của gia đình. Còn những thứ khó phân hủy, không nói tất nhiên ai cũng biết, chúng có thể “nằm im” nơi góc vườn như thế từ đời này qua đời khác, thậm chí có thể trở thành kẻ “phản chủ” nếu ai đó vô tình giẫm vào.
Một số gia đình gom rác thải bằng cách đào một cái hố sâu ở vườn và “phơi” rác trong đó, hễ hố rác đầy thì “chôn sống” hoặc “hỏa táng”. Gà vịt chết vì dịch cũng được “mai táng” trong những cái hố này. Hậu quả thì chưa thấy đâu nhưng những giếng nước sinh hoạt thì đã bắt đầu “bốc mùi” sau một thời gian “mưa dầm thấm đất”. Kênh mương, đầm phá cũng là bãi chiến trường được người dân tận dụng để phóng thích tất cả mọi thứ rác rưởi của gia đình. Rác sẽ trôi về đâu, điều đó không quan trọng với họ. Vấn đề là nhà họ không còn rác!
Gay go nhất là chất thải của gia súc, gia cầm. Hễ hộ dân nào có ý định xây dựng mô hình chăn nuôi lớn là những hộ gia đình khác có khả năng bị “tra tấn” vì mùi hôi thối. Một thực tế thấy rõ là việc xử lí phân lợn. Người ta đào những rãnh nhỏ cho nước phân chảy ra sông hồ. Ao hồ nào có cá thì cá cũng ngộp thở vì mật độ dày đặc của “thức ăn”. Sau ngày mưa, trời nắng trở lại là tất cả các hộ dân trong phạm vi bán kính khoảng 200 m đều bị đầu độc bởi mùi hôi thối phát tán trong không khí. Đó là một sự “tra tấn kinh hoàng”!
Một mô hình thu gom rác ở nông thôn
Khoảng 2 năm trở lại đây, Đoàn thanh niên ở quê tôi khởi xướng một mô hình gom rác mới. Thay vì vứt rác ra vườn, bây giờ, mỗi hộ gia đình sẽ gom rác lại trong từng “bao lác” (bao dùng để đựng lúa). Mọi loại rác đều được ném vào đấy. Cứ đều đặn 2 tuần một lần, người dân bỏ bao rác ra đường lớn. “Ban thu gom rác” (tôi tạm gọi như vậy) sẽ đi thu gom “cuốn chiếu” ở từng con đường bằng một chiếc xe công nông. Rác sẽ được “quy tập” về một bãi đất trống ở phía sau ngọn đồi, cách khá xa vùng dân cư. Tôi cũng tự hỏi, rồi rác sẽ nằm đó cho đến bao giờ? Ai sẽ mang rác đi? Thân phận rác sẽ trôi về đâu? Và đôi khi tôi nghĩ, có lúc nào rác “nhớ”, rác quay về với người dân quê chúng tôi trong nguồn nước uống hăng nồng.
Khi người dân quê đã biết ngồi lại với nhau để bàn về vấn đề môi trường mang tầm địa phương (tất nhiên cũng mang tầm nhân loại) thì cũng mong các nhà quản lí vạch ra một định hướng. Phải chăng người ta chưa thực sự quan tâm đến rác thải ở nông thôn? Với cuộc sống khá tự do trong sinh hoạt và suy nghĩ, người dân quê Việt Nam vốn đã quen “xử lí” rác theo kiểu “bình dân” như vậy! Hơn nữa, cũng chưa có một mô hình xử lí rác nào thực sự về với nông thôn. Muốn vậy, chúng ta phải đầu tư hợp lí. Khi các nhà quản lí đã “thả rông” thì tất nhiên rác cũng “chạy rông”. Thế thôi!
Từ ngày 27/2 đến 27/8, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Bảo vệ môi trường" dưới dạng bài viết, chùm ảnh, video mô tả thực trạng môi trường hư ô nhiễm không khí, nước...; đề xuất các sáng kiến bảo vệ hoặc nâng cao chất lượng môi trường; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Với bài dự thi là ảnh, độc giả gửi tối thiểu là 5 bức và tối đa 10 bức. Các bức ảnh cần có chú thích rõ ràng, dễ hiểu, có chú thích về địa danh, bối cảnh chụp. Chiều ngang của ảnh là 480 px. Dung lượng mỗi ảnh không vượt quá 10 MB. Đối với bài dự thi là clip, video, thời lượng tối thiểu 90 giây, thời lượng tối đa 3 phút, dung lượng dưới 100 MB. Bài viết được thể hiện trên Word có độ dài không quá 1.500 từ, ảnh minh họa cho bài viết được gửi riêng, không “dán” vào Word và phải có chú thích rõ ràng cho ảnh. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây |
Lê Thị Thúy Hằng