-
16h20
Chất lượng, minh bạch giúp doanh nghiệp đi xa
Đưa ra lời khuyên cho nền nông nghiệp và nông dân Việt Nam, ông Mạnh Hùng cho biết các đối tác châu Âu rất khó tính. Để mời tham gia rất dễ, nhưng để giữ họ ở lại lâu dài với Việt Nam cần nền tảng vững chắc. Đó là sản phẩm phải thật. Không thể giới thiệu một cách nhưng thực tế lại khác xa.
Còn bà Nguyễn Thị Huyền khuyên doanh nghiệp cần quan tâm đến sự minh bạch trong tất cả các khâu. Khi có vấn đề xảy ra, phải có đủ thông tin, bằng chứng để trả lời đối tác, khách hàng, thị trường. "Chúng ta có uy tín, chất lượng thì khách hàng sẽ không bao giờ rời bỏ mình", bà Huyền nói.
Một yếu tố nữa giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài theo ông Vũ Cường, Trưởng phòng phát triển thị trường sản phầm chăn nuôi là thương hiệu. Thương hiệu làm nên hình ảnh của doanh nghiệp, gắn chặt với Việt Nam. "Khi ra thế giới, doanh nghiệp nên kinh doanh bằng đạo đức, sự thật thà để đi xa", ông Cường nhấn mạnh.
-
16h10
Liên kết để tạo sức mạnh
Về việc hợp tác giữa các bên để tận dụng sức mạnh tập thể hay tập trung xây dựng thương hiệu riêng, đại diện đến từ hai doanh nghiệp đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết để sử dụng sức mạnh tập thể. Đại diện công ty Quế Hồi Việt Nam cho biết trong thời gian tới, đơn vị sẽ làm việc với các doanh nghiệp có thể mạnh riêng trong lĩnh vực sản xuất tinh dầu để hướng tới xuất khẩu sản phẩm này. Thay vì thực hiện từ đầu đến cuối quy trình làm tinh dầu, công ty sẽ liên kết với các đơn vị có thể mạnh sản xuất sẵn có đồng thời áo dụng các tiêu chuẩn của riêng mình để kết hợp và sử dụng thế mạnh của mỗi bên.
Bà cũng nhận định, việc xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm là điều tất yếu nhưng phải tuỳ thuộc vào từng thời điểm thích hợp. Điều quan trọng là phát triển mô hình kinh doanh để gia tăng thế mạnh cho sản phẩm.
Đại diện tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, nếu vừa tập trung chăn nuôi, sản xuất, vừa bán hàng thì rất nan giải. Nên ai chuyên về làm gì thì làm việc đó để đảm bảo chuyên môn hoá cao. Làm đúng chuyên môn để làm đúng khả năng và nhiệm vụ. Ông cho biết, hiện nay đơn vị đang liên kết xuất khẩu theo hình thức 50:50, trong đó sản xuất tại Việt Nam còn bán hàng tại thị trường nước ngoài sẽ do người bản địa thực hiện để hạn chế rủi ro về chính sách.
-
16h00
"Chọn tối tác như chọn bạn chơi cùng"
Theo người điều phối, hiện cả hai doanh nghiệp tham gia chương trình đều lệ thuộc vào đối tác quốc tế về mặt công nghệ. Những vị trí cấp cao đều do người nước ngoài đảm trách. Đây cũng là bài toán khó với ngành nông nghiệp nói chung.
Chia sẻ quan điểm về điều này, ông Vũ Cường cho rằng mỗi doanh nghiệp cần chủ động trong bài toán công nghệ bởi Việt Nam có những đặc thù riêng. Qua khảo sát, ông Cường cho biết nguồn lực đầu tư nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp còn thấp. Nhà nước hiện cũng khuyến khích và có những hỗ trợ về chính sách, định hướng chung nhằm thúc đẩy hoạt động này.
Công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp là điều không cần bàn cãi. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Huyền, hầu hết các công ty trong nước không đủ năng lực để tự xây dựng một đội ngũ nghiên cứu riêng. Do đó việc hợp tác với những viện nghiên cứu thế giới là tất yếu. Doanh nghiệp của bà Huyền đang hợp tác với đối tác Nhật để phát triển những sản phẩm mới. Vị này kỳ vọng có thể học tập được công nghệ từ Nhật để giảm lệ thuộc thời gian tới.
Còn với Hùng Nhơn, việc hợp tác quốc tế đem lại lợi ích cho cả hai. Ông Hùng nói đây là cái duyên khó kiếm được ở thị trường Việt Nam. Hiện tại tập đoàn này làm việc hơn 10 năm với đối tác quốc tế. "Chọn đối tác như một người bạn, sẽ đi cùng mình trong 10 năm. Doanh nghiệp nên lựa chọn chính xác để đi đường dài trong thời buổi thị trường quốc tế đã rất rộng mở", ông Hùng gợi ý.
-
15h53
Doanh nghiệp chủ động ứng phó với Covid-19
Trong bối cảnh Covid-19, đại diện tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, hiện đơn vị rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đầu tư mạnh mẽ hơn cho công nghệ để chủ động ứng phó với các nguy cơ có thể xảy ra. Tập đoàn đang đầu tư dự án ở Tây Nguyên với tổng số vốn 700 tỷ đồng, trong đó 400 tỷ là cho thiết bị công nghệ hiện đại nhất của Đức, Đan Mạch. Từng đối mặt với nhiều khó khăn trong quá khứ và hiểu rằng tất cả dịch bệnh đều do con người mang tới, nên toàn bộ hệ thống trang trại đều tự động hóa, vận hành bằng robot. Công ty sử dụng phần lớn chuyên gia nước ngoài nhằm đảm bảo chuyên môn và sự quyết liệt trong khâu điều hành và kiểm soát quy trình sản xuất.
Trong thị trường quế hồi xuất khẩu, bà Huyền cho biết, thời điểm dịch là lúc chứng minh giá trị kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Công ty xác định trọng tâm là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, xây dựng thương hiệu mạnh, và giữ chân khách hàng.
-
15h38
Nhiều chính sách cởi trói cho xuất khẩu nông nghiệp
Trước thực tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định song phương và đa phương, người điều phối bày tỏ sự thắc mắc về độ mở chính sách hiện nay tác động thế nào đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Vũ Cường cho biết, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sâu rộng thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện chiến lược tái cấu trúc ngành nông nghiệp Việt Nam và đưa ra nhiều chính sách thiết thực về xuất khẩu gạo và thuỷ sản. Chủ trương của Đảng và Nhà nước đưa ra các chính sách mở cửa thông thoáng cho thương mại và nông sản. "Chúng ta dành phần ưu đãi lớn nhất cho nông sản, với lộ trình mở cửa tương đối dài để các doanh nghiệp thích nghi và đầu tư", ông Cường nói.
Cụ thể trong 5 năm qua, nhà nước đã thông qua 6 luật lớn như luật lớn như Luật thuỷ sản, Luật chăn nuôi, thú y...Luật ra đời sẽ giúp các đơn vị có chiến lược phát triển ngành trong tương lai.
-
15h29
Cải thiện nội tại
Về việc hợp tác với nông dân, hợp tác xã truyền thống, quan điểm của ông Mạnh Hùng là cần bắt đầu từ nâng cao nhận thức của người nông dân. "Người dân dễ dàng phá bỏ hợp đồng hoặc không tuân thủ cam kết. Hùng Nhơn đang bán hàng với giá trung bình và ổn định bởi những đối tác chính của chúng tôi cũng ổn định. Do đó nếu có thể thay đổi điều này, thì doanh nghiệp Việt rất sẵn sàng hợp tác", ông Hùng nói.
Muốn đi ra thế giới, doanh nghiệp phải cải thiện nội tại. Từ nhu cầu của thị trường và khách hàng, bà Huyền nói phải "bán những gì khách hàng cần chứ không phải bán những gì mình có". Do đó doanh nghiệp ưu tiên chất lượng sản phẩm qua việc sở hữu chứng nhận hữu cơ. Nói dễ hiểu là sản phẩm sạch.
Quế Hồi Việt Nam cũng quan tâm đến trách nhiệm xã hội với người dân. Hàng năm công ty hỗ trợ cho nông dân về giống, bao tải đựng hàng, các chương trình phúc lợi xã hội. Trong từng khâu sản xuất, công ty của bà Huyền cũng hạn chế việc xả rác thải ra môi trường như một cách để sản xuất bền vững.
"Đây không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp mà nhu cầu thị trường buộc chúng tôi tự nguyện làm điều đó. Chúng tôi xin cấp nhiều giấy chứng nhận quy trình và trách nhiệm xã hội để thuyết phục khách hàng quốc tế", bà Huyền chia sẻ.
-
15h15
Liên kết chuỗi là yếu tố tiên quyết trong nâng cao năng lực sản xuất
Khi nói đến sản xuất thì quy mô vùng nguyên liệu, hạ tầng sản xuất, dây chuyền chế biến, bảo quản, logistics, và nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Từ quan điểm đó, ông Nguyễn Đức Tùng đặt ra câu hỏi: "Các doanh nghiệp của Việt Nam đã làm gì để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế?".
Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Huyền cho biết, hiện công ty đang sở hữu 4.000 ha quế hồi hữu cơ, liên kết với 3.000 hộ nông dân tại Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai. Doanh nghiệp hợp tác theo mô hình chuỗi giá trị, bằng cách đào tạo trực tiếp cho hộ nông dân, chuẩn hoá ngay từ khâu ban đầu, đồng thời nâng cao máy móc với các nhà máy sản xuất để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, rất ít loại máy móc ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là trồng hồi và quế, vì vậy, doanh nghiệp áp dụng từng nhóm để quản lý hoạt động nhập liệu trong khâu sản xuất, đào tạo cho trưởng, phó nhóm ghi chép thời gian thu hoạch, thăm vườn cho toàn bộ hợp tác xã. "Hoạt đồng này rất thiết yếu trong chuỗi liên kết bởi truy xuất nguồn gốc lã quan trọng khi xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ", bà Huyền nói.
Đại diện tập đoàn Hùng Nhơn cho biết công ty 60% lao động tại doanh nghiệp là người dân tộc vì vậy mất nhiều thời gian để đào tạo họ sử dụng máy móc công nghệ. "Toàn bộ quy trình chăn nuôi chúng tôi sử dụng thiết bị từ Đức, Đan Mạch, chuyên gia liên kết với các tập đoàn nước ngoài. Các buổi đào tạo hướng dẫn được thực hiện bởi chuyên gia Đan Mạch. Tập đoàn đi theo hướng giá trị tổng thể, đi theo hướng liên kết chuỗi giá trị, mỗi người làm một mảng, liên kết với hợp tác xã, người nông dân để hình thành dần mắt xích", ông Vũ Mạnh Hùng cho hay.
Từ góc nhìn phía nhà nước, ông Vũ Cường cho rằng liên kết không chỉ đúng với các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn đối với nông dân và thị trường trong nước. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đang thúc đẩy mô hình hợp tác xã để sản xuất quy mô lớn, tiếp cận thị trường lớn. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 98 về thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Bước đi này cho thấy hoạt động liên kết chuỗi rất quan trọng, "Đi một mình thì đi nhanh, nhưng liên kết lại thì đi được càng xa hơn. Nhất là trong giai đoạn 4.0 như hiện nay", đại diện cơ quan quản lý nói.
-
15h05
Năng lực sản xuất nông sản Việt đang cải thiện
Mở đầu toạ đàm, TS Nguyễn Đức Tùng đặt câu hỏi chung cho 3 vị khách mời mời về tổng quan năng lực sản xuất của nông sản Việt.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn coi đây là một cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn để doanh nghiệp Việt hoà đồng với thế giới. Tại chính Hùng Nhơn, công ty đã thay đổi cơ chế hợp tác từ nhiều năm nay, tiến hành hợp tác với những doanh nghiệp của Mỹ, châu Âu. "Nhu cầu của chúng tôi là liên kết chuỗi trong bối cảnh dịch bệnh và chiến tranh thương mại. Kinh tế năm 2020 khá ảm đạm khiến bản thân doanh nghiệp phải tự tìm lối đi", ông Hùng nói.
Không chỉ tại công ty của mình, ông Hùng cho rằng "cơn bão" Covid-19 từ đầu năm đến nay quét qua tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam và thế giới. "Nếu đứng ở tâm bão thì sẽ không bị ảnh hưởng nhưng nếu đứng ở rìa cơ bão, chúng ta sẽ bị quét qua và chịu ảnh hưởng nặng nề", ông nói.
Việc liên kết với đối tác nước ngoài đem lại nhiều bài học cho công ty nhất là trong việc tận dụng công nghệ hiện đại sẽ là cách để doanh nghiệp đi qua cơn bão 2020.
Tiếp câu chuyện về liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, bà Nguyễn Thị Huyền, CEO Công ty Cổ Phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam coi đây là cách để đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, cả hai cần thống nhất về phương thức, lĩnh vực và nội tại của chính doanh nghiệp để không bị bỡ ngỡ. Bà Huyền khẳng định kinh doanh nông nghiệp rất khó, kinh doanh xuất khẩu càng khó. Hiện Việt Nam có rất ít doanh nghiệp tham gia mảng này nhưng tin vui là có xu hướng tăng lên trong vài năm qua.
Ở khía cạnh cơ quan Nhà nước, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu nông sản thuộc top đầu thế giới với tốc độ trung bình khoảng 2 tỷ USD một năm. "Vai trò của doanh nghiệp là không thể thiếu. Riêng trong chế biến, có tới khoảng 7.500 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng 5-7% một năm", ông Hoà nói.
Với hơn 33.000 doanh nghiệp, đây là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành nông sản Việt Nam.
-
15h00
Nông nghiệp vẫn đi sau công nghệ
Hàng loạt chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp thực thi trong những năm qua là lý do để ngành có thành tựu trên thị trường thế giới. Nông nghiệp Việt Nam có những bước tiến rõ rệt về năng lực sản xuất, không những đáp ứng đủ an ninh lương thực trong nước mà phục vụ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cách đây 10 năm khi bắt đầu hội nhập, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đạt 19,5 tỷ USD. Lúc này, con số đã tăng gấp hơn 2 lần ở mức 41 tỷ USD bất chấp những ảnh hưởng của Covid-19 và thời tiết khắc nghiệt, thiên tai hạn mặn.
Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực hội nhập với nền kinh tế thế giới và trở thành thanh viên chính thức CPTPP, EVFTA và gần đây nhất là RCEP. Đây là bước đi mang đến nhiều cơ hội, song cũng đầy thách thức, đòi hỏi nền nông nghiệp phải nhanh chóng đổi mới để bắt kịp với sự phát triển và hòa nhập thị trường quốc tế.
Một trong những rào cản cần tháo gỡ là nâng cao năng lực sản xuất cho toàn ngành, trong đó mở rộng quy mô và đẩy mạnh ứng dụng khoa học là hai yếu tố tiên quyết. Dù được hỗ trợ nhiều chính sách thúc đẩy nông nghiệp nhưng quá trình áp dụng vào thực tiễn tại các doanh nghiệp sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, quá trình ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp chưa sâu rộng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trng đó 90% quy mô nhỏ và siêu nhỏ ở (dưới 10 tỷ đồng). Vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nông nghiệp đạt khoảng 200 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 trung bình chung của các ngành kinh tế khác.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và đặt nhiều kỳ vọng vào xuất khẩu nông sản, việc nâng cao năng lực sản xuất, cũng như xây dựng vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế càng cần được đẩy mạnh. Đây cũng là nội dung tại Tọa đàm:"Nâng cao năng lực sản xuất và tiếp cận thị trường quốc tế của nông sản Việt" trực tiếp lúc 15h, ngày 10/12 trên VnExpress.
Sự kiện có sự tham gia TS Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Ông Vũ Cường, Trưởng phòng phát triển thị trường sản phầm chăn nuôi, Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đại diện doanh nghiệp có ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn và bà Nguyễn Thị Huyền, CEO Công ty Cổ Phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam.
Các chuyên gia sẽ phân tích năng lực sản xuất các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam hiện tại, đề xuất giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ, làm sáng tỏ những nút thắt mà nông nghiệp Việt Nam gặp phải để tiếp cận hiệu quả thị trường quốc tế...