Tình trạng cửa khẩu ùn ứ diễn ra từ cuối năm ngoái và cận Tết đã giải toả được phần nào khi các cơ quan quản lý cùng vào cuộc tháo gỡ. Tuy nhiên, sau Tết, hiện tượng này tái diễn.
Container chở 16 tấn thanh long được anh Quân, một tài xế từ Long An đưa lên cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) từ mùng 4 Tết (tức ngày 4/2) nhưng đến giờ vẫn chưa thể xuất sang Trung Quốc.
Chuyến hàng này, tiền công chở "trọn gói" anh Quân được nhận từ chủ hàng là 10 triệu đồng. Với tình trạng nằm chờ hơn chục ngày nay và chưa biết khi nào có thể "thoát" được hàng, anh tính toán, "đến khi xe có thể thông quan, quay đầu chắc chả dư được đồng nào".
Cùng cảnh, anh Thịnh, tài xế chở xoài từ Bình Định ra Lạng Sơn, cho biết cũng nằm chờ tại bãi gần cửa khẩu một tuần nay. Ngoài lương, mỗi ngày chi phí ăn uống, sinh hoạt của anh cùng lái phụ được trả 200.000 đồng mỗi người. Khoản tiền này, "hai anh em phải tính toán chi tiêu tằn tiện cho ăn uống, vệ sinh, tắm giặt... mới đủ". Để tiết kiệm chi phí anh thường cùng phụ lái nấu mì tôm ăn qua bữa.
"Thời tiết khô ráo còn đỡ cực, mấy hôm nay trời mưa lạnh, cảnh chờ chực càng khiến anh em thêm mệt mỏi", anh Thịnh nói.
Tài xế Quân, Thịnh cũng như hàng nghìn tài xế khác chở nông sản từ các tỉnh phía Nam ra Lạng Sơn để xuất hàng qua biên giới Trung Quốc, đang bị kẹt trong dòng xe nối đuôi nhau dọc tuyến quốc lộ 1 hướng lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Đến sáng 13/2, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 cửa khẩu chính ở Lạng Sơn (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) là 1.815 xe, giảm 36 xe so với hôm trước. 90% trong số này là xe chở hoa quả tươi từ các tỉnh phía Nam, xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, năng lực thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn hiện vẫn rất chậm, khoảng 70-80 xe một ngày, bằng một phần sáu so với nhu cầu xuất hàng sang Trung Quốc. Nguyên nhân vẫn do phía nước này duy trì chiến lược "zero Covid", nên siết chặt các biện pháp phòng dịch với người (lái xe) và phương tiện vận chuyển hàng. Thời gian thông quan mỗi xe vài giờ đồng hồ, thay vì 10-15 phút như trước, chưa kể nếu là hàng đông lạnh bị kiểm tra rất chặt dù chủ hàng cung cấp đủ giấy tờ xét nghiệm tài xế, khử khuẩn xe...
Trong khi đó, mỗi ngày vẫn có khoảng 100-200 xe hàng (chủ yếu là hàng nông sản) được các chủ hàng, doanh nghiệp đưa lên cửa khẩu. Với năng lực thông quan hạn chế, nhà chức trách Lạng Sơn tính toán, phải mất 10-15 ngày mới có thể thông quan hết số này. Tuần trước, Sở Công Thương Lạng Sơn đã thông báo, dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ để xuất sang Trung Quốc từ ngày 16 đến 25/2.
Không chỉ cánh tài xế mệt mỏi vì phải trông xe, trông hàng, các doanh nghiệp vận tải cũng gặp khó.
Đến 14/2, hơn 30 xe chở hàng của Công ty cổ phần Vận tải quốc tế Thái Việt Trung đang phải nằm trực chờ ở các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn. Giám đốc công ty, ông Trần Văn Hào, ước tính chi phí tăng thêm bình quân cho mỗi xe đang phải chờ ở cửa khẩu 2-2,5 triệu đồng. "Một ngày khoảng 30-40 xe đang tồn thì chúng tôi mất 60-80 triệu đồng. Đây là điều khó khăn cho doanh nghiệp", ông Hào chia sẻ.
Thường xe chở hàng từ phía Nam ra Lạng Sơn chỉ 7-10 ngày là "thông hàng", nhưng hiện cảnh "tắc đường", ùn ứ ở các cửa khẩu biên giới khiến thời gian một xe hàng xuất được sang Trung Quốc khoảng 10-15 ngày, chưa tính thời gian nằm chờ tại bến bãi. Tức là thời gian để đưa được một xe hàng từ vườn trồng phía Nam qua cửa khẩu giờ mất khoảng 25-30 ngày, gấp ba lần thông thường.
Chưa kể, sau Tết, số tài xế làm nhiệm vụ trung chuyển từ bãi xe Xuân Cương (vùng đệm được thiết lập gần cửa khẩu Hữu Nghị để phòng dịch, rồi chở hàng tới km số 0 để bàn giao xe cho Trung Quốc), quay trở lại chưa nhiều, mỗi ngày mới có 15-20 người, trong khi nhu cầu chở hàng lớn nên giá thuê tăng gấp đôi, gấp ba.
"Trước giá cho tài xế trung chuyển hàng là 1,5-2 triệu đồng một người mỗi xe, giờ họ nói phải 5 triệu đồng, nếu thân quen thì có thể giảm xuống còn 3 triệu đồng", ông Hào chia sẻ.
Theo ông Hào, lượng thông quan hàng ngày ít, không còn cách nào khác là doanh nghiệp tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý. Nhưng tình trạng này tái diễn, kéo dài khiến thiệt hại không riêng với doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế.
Một số doanh nghiệp vận tải không dám nhận chở hàng. Từ sau Tết, ngày nào ông Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty vận tải quốc tế XNK, cũng nhận được đề nghị chở hàng xuất sang Trung Quốc từ đối tác, nhưng đều phải từ chối.
"Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình, tư vấn cho khách hàng tìm cửa khẩu khác như Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất hàng, nhưng cũng không hiệu quả", ông Hùng chia sẻ.
Để có thêm doanh thu, công ty này phải xoay sang nhận chở hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam và tăng vận chuyển trong các tuyến nội địa, nhưng cũng khó bù đắp do lượng hàng từ Trung Quốc xuất sang cũng không nhiều vì các biện pháp phòng dịch.
Trước tình cảnh ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới tái diễn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang tính lại phương án đưa hàng sang Trung Quốc.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu điều, ông Đặng Hoàng Giang - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho hay, rút kinh nghiệm đợt trước, lần này hiệp hội cũng đã thông báo sớm để những doanh nghiệp nào có ý định mang hàng lên cửa khẩu ngừng ngay và chuyển hướng.
Chuẩn bị xuất lô xoài đầu năm Nhâm Dần sang Trung Quốc, ông Linh, giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Đồng Tháp, cho hay đang tạm ngưng để xem xét tình hình.
Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Có, Giám đốc Công ty cổ phần Khoai lang Nhật Thành, cho biết công ty ngưng hết các đơn hàng đường bộ. "Chúng tôi đang nghiên cứu lại thị trường cũng như lên các phương án để tìm cách xuất qua thị trường này bài bản hơn", ông Có nói.
Cách xuất khẩu sang Trung Quốc bài bản hơn, theo ông, trước tiên doanh nghiệp phối hợp cùng nông dân trồng khoai lang để cải tiến cách thức trồng. Thay vì trồng ồ ạt vào một vụ thì năm nay phải trồng gối đầu, rải vụ với số lượng mỗi vụ thấp hơn so với mọi năm. Riêng với mít, người dân đang canh tác nhiều nhưng công ty cũng đã thông báo và hướng dẫn kỹ thuật, đề nghị được cấp các mã vùng trồng theo quy hoạch để xuất khẩu đáp ứng các tiêu chí mới của phía Trung Quốc.
"Ngoài ra, chúng tôi đang đẩy mạnh kết hợp với nhiều đối tác hơn để xuất bằng đường biển không chỉ với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác", ông Có nói thêm.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, đánh giá đợt ùn tắc đầu năm mới này không ảnh hưởng nhiều như cuối năm 2021. Tuy nhiên, một số nông sản như mít, xoài, dưa hấu, thanh long đang bị ùn ứ và có nguy cơ giảm giá khi xuất khẩu chậm lại. Nếu quốc gia này vẫn duy trì chính sách "zero covid" thì năm nay xuất khẩu sẽ giảm 30-40% sang nước này.
Có kinh nghiệm làm ăn với Trung Quốc hơn 30 năm, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, tình trạng ùn ứ ở các cửa khẩu sẽ khó cải thiện nếu Trung Quốc vẫn theo đuổi mục tiêu "zero Covid". "Vẫn cần thêm các cuộc đàm phán ở cấp cao nhất giữa hai bên để giải quyết nút thắt này", ông nêu.
Hoài Thu - Thi Hà