Dương Đức Khánh -
Nhớ hồi tôi mới tới tuổi nghĩa vụ, tía má tôi cứ hấp ha hấp hoảng. Má tôi lật đật cắp nón tới cậy anh Bảy, cốt xin cho tôi một chân "lính lác" gì đó trong ấp. Tôi đi theo núp ló ngoài ngõ, nghe giọng anh Bảy nổ rốp rảng: "... Thời bây giờ đi bộ đội là sướng cha thiên hạ rồi. Tụi tui hồi đó mới "trần ai lai khổ", ở trong rừng tràm quanh năm nước ngập tới bản họng! Đói lòi con mắt ếch! Sống được cũng phước đức ông bà, mấy trận tưởng đâu "lên bàn thờ ngồi" rồi!".
Má tôi cứng họng, te te xách nón đi về... Ngồi đan tiếp cho xong cái võng, má vừa tính lẩm bẩm rồi quay qua tía tôi: "Nè, ông có nhớ thằng Bảy Đòn Gánh nó đi vô bưng hồi trào nào không ông?!... Chớ tui nhớ từ nhỏ tới lớn nó chuyên vác mác theo tía nó rảo quanh cù lao, mua tre về đan lờ đan lọp, với đẽo đòn gánh. Hồi nhỏ ổng đặt tên thằng Lờ, lớn lên thấy kỳ kỳ mới kêu Bảy Đòn Gánh, chết danh tới giờ".
"Vậy má mày không nhớ cái trận tụi bảo an bị "đắp mô" à?! - Tía tôi cười nheo mắt - Đêm đó, nó cầm đầu mấy đứa trong xóm, tính "chơi" cho thằng "mắc dịch" trên xóm Đũa té một trận bõ ghét! Cái thằng đêm nào cũng xuống đây ve gái, rú xe ào ào như ăn cướp. Ai dè trúng xe bảo an đi tuần. Tụi lính nhảy xuống dàn trận rụp rụp như sắp xáp lá cà. Tới hồi lính rút, ông già nó lôi về nện cho một trận tưởng chết! Tội chơi dại.
Nhưng sáng ngày thì cái tin Việt cộng về "đắp mô" lan khắp vùng!... Nên giờ nó là "người có công"! Bà hiểu chưa?!... Cục đất mà người ta nắn thành ông Táo, ông Địa thì bà cũng phải kêu bằng ông! Phải vái sái cần cổ. Tui thì tởn thấy ông bà ông vải một trận rồi!...".
Số là bận đó tía tôi xin cái giấy phép đi bán võng dạo. Anh Bảy phê là: "Thuận cho phép đương sự đi bán giảng" (!). Bán hết võng nhưng tía tôi bị giam ba ngày dưới Năm Căn vì cái tội... truyền bá kinh giảng (!)...
Về kể lại, ông già mặt nhăn như gáo đờn! Anh Bảy thì cười khà khà: "Chú thông cảm, lu bu nhiều đơn trương giấy tờ, viết lộn. Mà mấy cha dưới đó cũng ẩu thiệt!...".
Bảy Đòn Gánh là phó ấp kiêm công an, nhiều trận còn ẩu trời gầm! Mấy mùa nước lớn, anh thường mở chiến dịch "chống ăn trộm xuồng"! Lần bắt được hai tên tình nghi, hù hét cả đêm không thằng nào chịu khai. Mờ sáng anh xách cạc - bin lên đạn cái róc rồi lệnh mấy tay du kích bịt mắt cả hai thằng dẫn ra sau bờ hầm. Anh nổ cái rầm lên trời rồi xô một thằng xuống cái đùng. Thằng kia run té đái, khụy xuống vừa lạy vừa khai tuốt luốt.
Bận ghe hát về làng, trai gái được cớ dẫn nhau ra gò mả rần rần. Anh Bảy lắc đầu: "Trời chưa mưa mà "ếch bắt cặp" quá trời! Mơi mốt gánh hát lui ghe chắc ấp mình cất nhà bảo sanh không kịp! Mệt cầm canh!...". Vậy là anh cấp thời mở ngay chiến dịch "soi ếch" do anh đích thân vào cuộc!
Anh êm ru bò ra gò, áp sát từng bụi lùm chờ thời điểm "chín muồi" và... pha đèn! Từng "cặp ếch" đa số là "ếch lột" chết trân tại chỗ... Cặp nào anh Bảy cũng "giáo dục", cảnh cáo vài câu.
Tôi cũng bị soi tại trận! Ngặt nỗi khuôn mặt đang ngả trong vòng tay tôi chính là... cô em con ông chú ruột anh Bảy. Anh nghiến răng trợn trắng, tức lộn ruột!
Kết thúc "chiến dịch" là một đêm rúng động đất cù lao. Anh bám đối tượng và soi trúng ngay chóc vợ thằng Tư "ghe cào" đang quấn xà nùi với một thằng kép hát trong bụi cây bình bát. Tất nhiên là "cặp ếch" này được túm về văn phòng ấp lập biên bản. Đêm đó gánh hát ngưng diễn. Dân chúng rần ì cả đêm.
Thằng Tư đang cào cá ngoài vàm nghe tin giấc mờ sáng. Nó quay mòng mòng như người trúng gió, rồi giong ghe bỏ xứ đi biệt luôn.
Tôi thì nơm nớp như ngồi đọt cây. Mấy ngày đó cứ thấy bóng anh Bảy là tôi kiếm đường lủi lẹ...
Đêm trên xã tổ chức văn nghệ, mấy cô giáo cấp I cứ đòi kéo tôi đi bằng được. Cả ấp có mình tôi biết đờn địch bập bõm mấy điệu tân nhạc, mấy cô nói tôi đờn quen, dễ hát.
Tôi vác đờn tình tang gần tới bến đò thì bất ngờ lù lù hai tay du kích chĩa súng chặn lại. Tôi lớ quớ chưa biết chuyện gì thì một tay lên giọng cộc lốc, cụt ngủn: "Yêu cầu... hớt - tóc - dài!...". Nhìn ngang thấy ông già Ba "hớt tóc dạo" với hộp đồ nghề thủ sẵn. Tôi dở cười dở mếu, hết đường chống cự... Mấy bữa nay nghe đồn bên Cồn Dừa có chiến dịch "truy quét tóc dài và rọc quần ống loe", nhưng ai ngờ "anh Bảy mình" triển khai lẹ quá trời!
Mấy cô giáo cứ xúm vô, hết lý sự tới xuống nước năn nỉ dẻo quẹo. Giọng tay du kích dứt khoát: "Mấy người đi kiếm ông Bảy Đòn Gánh mà nói chuyện! Tụi tui thi hành theo chỉ thị!".
Vậy là mái tóc "nghệ sĩ vườn" từng "chết mệt" mấy cô gái xứ cù lao cấp kỳ được gọt "cua" trụi lủi, trắng hếu.
Đêm đó, chương trình văn nghệ không có tiết mục hài nào. Vậy mà khán giả cứ cười rần rần.
Mấy ngày sau tôi có lệnh gọi thi hành nghĩa vụ. Nghe sau đó anh còn mở nhiều chiến dịch "trời ơi đất hỡi" nữa.
Sau ngày xuất ngũ, tôi cưới vợ và có nghĩa là trở thành em rể anh Bảy.
Giờ vợ chồng tôi lập nghiệp trên thành phố, lâu mới có dịp về quê. Lần nào tới thăm, anh Bảy cũng níu tôi ở lại "mần" vài ly. Thấy hai đứa tôi đề huề, khấm khá, anh Bảy mừng lắm. Có lần cao hứng anh nói: "Tụi bây nhờ tao đó nghe!...".
Còn anh giờ vẫn đeo nghề cũ, vẫn lui cui tối ngày với cây mác cây tre đất cù lao. Anh nói: "Mần túc tắc ngày cũng được hơn chục cái lờ, sống khỏe re!".
(Truyện đoạt giải Nhất cuộc thi viết truyện ngắn 1.200 chữ do báo Tuổi Trẻ tổ chức).