Earyn McGee, nhà nghiên cứu động vật bò sát và lưỡng cư tại Trạm Nghiên cứu Tây Nam Arizona (SWRS), hôm 26/5 thông báo trên mạng xã hội Twitter về cái chết của nòng nọc Goliath. Con vật ra đi tại SWRS vào năm ngoái. Các nhà khoa học vẫn đang bảo quản Goliath để tìm hiểu thêm về giới tính, hình thái và nguyên nhân nó không phát triển thành ếch.
Goliath được phát hiện vào năm 2018, trong chuyến đi bắt ếch trâu Mỹ (Lithobates catesbeianus) của SWRS ở vùng đông nam Arizona. Một tình nguyện viên trông thấy con nòng nọc ngoại cỡ khi đang xem xét một đầm nước nông. Goliath lớn đến mức ban đầu tình nguyện viên này tưởng nó là cá. Sau đó, các chuyên gia tại SWRS đã đưa nó về trạm và đặt vào bể nuôi để nghiên cứu thêm.
Ngày 13/6/2018, McGee đăng những bức ảnh của Goliath lên mạng xã hội và thu hút rất nhiều sự chú ý. Bà cho biết, Goliath lớn hơn nhiều so với kích thước trung bình của nòng nọc ếch trâu Mỹ. Đây nhiều khả năng là kết quả của một dạng mất cân bằng hormone. Sự mất cân bằng này ngăn nó phát triển thành ếch.
Một số nghiên cứu trước đó cũng miêu tả những con nòng nọc ngoại cỡ tương tự. Tuy nhiên, Goliath là con nòng nọc lớn nhất McGee từng tận mắt nhìn thấy.
Kích thước lớn không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích, McGee cho biết. "Nhược điểm của Goliath là hệ hô hấp và tuần hoàn có thể không phù hợp với kích cỡ cơ thể khi nó tiếp tục lớn thêm", bà giải thích. Tuy nhiên, nòng nọc ếch trâu lớn có khả năng kiếm nhiều thức ăn hơn những con nhỏ. Điều này rất hữu ích nếu thức ăn trong đầm nước khan hiếm, McGee nhận định.
Ếch trâu Mỹ là loài ếch lớn nhất Bắc Mỹ. Chúng có thể nặng 0,5 kg và dài tới 20 cm hoặc hơn. Nòng nọc của chúng thường dài khoảng 15 cm, theo Cơ quan Cá và Sinh vật hoang dã Mỹ (USFWS). Ếch trâu Mỹ là loài bản địa ở miền trung và miền đông. Chúng được đưa tới phía tây nam vào những năm 1900 do nhu cầu dùng chân ếch làm thực phẩm tăng cao, trở thành sinh vật ngoại lai xâm lấn.
Thu Thảo (Theo Live Science)