Ông Bình chia sẻ thông tin trên tại "Diễn đàn trao đổi công nghệ và nông sản Việt Nam - Nhật Bản", chiều ngày 30/11. Sự kiện do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cùng với Tập đoàn FPT phối hợp với Tập đoàn SBI tại Nhật bản tổ chức. Chương trình thu hút sự tham dự của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nhật bản đang hoạt động và quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số công nghệ cao với các mô hình và dây truyền sản xuất tối ưu cho nhà cung ứng và người tiêu dùng.
Mở đầu diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội số Nông nghiệp VIDA cho biết, hiệp hội đang nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ số hóa vì sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam tiến tới nền nông nghiệp số, tham gia sâu rộng vào quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, từ đó, đóng góp trực tiếp và hiệu quả vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Suốt quá trình hợp tác, làm việc nhiều năm với Nhật Bản, ông Bình ấn tượng với cách đất nước này ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp và cho rằng, Việt Nam rất cần công nghệ và bí quyết Nhật Bản để nâng cao năng suất, chất lượng nông nghiệp.
Thực tế, nông nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản là ngành đang được nhiều nước trên thế giới học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh diện tích đất trồng đang ngày càng bị thu hẹp và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên nhức nhối trên toàn thế giới.
Bàn về thực trạng nông nghiệp của Nhật Bản, ông Yoshitaka Kitao - Tổng giám đốc Tập đoàn SBI chia sẻ, dân số làm nông nghiệp của Nhật Bản đang giảm nhanh chóng, so với năm 1995 thì 20 năm qua đã giảm hơn một nửa. Ngoài ra, độ tuổi trung bình của lao động nông nghiệp ở Nhật Bản đã tăng 8 năm qua, và tình trạng thiếu lao động do lao động nông nghiệp già đi và thiếu người kế thừa đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Do đó tổng diện tích đất canh tác bị bỏ hoang ở Nhật Bản là 423.000 ha, sự suy yếu của cơ sở sản xuất đang gia tăng và tổng sản lượng nông nghiệp đến năm 2017đã giảm 2,4 nghìn tỷ yên từ mức đỉnh cao năm 1984.
"Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu và khuyến nghị phát triển các công nghệ mới và các mô hình quản lý năng suất cao nhằm phát triển bền vững nông nghiệp như một mục tiêu của các chính sách kinh tế", ông Kitao cho hay.
Với vai trò là Tổng giám đốc đại diện tập đoàn SBI - Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản, ông Kitao cho biết tập đoàn đang đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội nêu trên bằng cách đầu tư quy mô lớn vào các công ty cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. Ngoài việc đầu tư vào các công ty công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp như SBI Traceability, SBI còn hướng tới nỗ lực xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế mới trong đó kỳ vọng các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam có thể được giao dịch tại đây trong tương lai.
Là một trong những nhà cung cấp giải pháp công nghệ nông nghiệp, ông Kyoichi Okino - Phó tổng giám đốc Công ty DENBA chia sẻ về chuỗi cung ứng lạnh. Theo ông Okino công nghệ của DENBA sẽ tác động vào thành phần nước trong thực phẩm để duy trì độ tươi ngon. Nhiệt độ bảo quản của công nghệ này là 0-4 độ không đông đá, giúp hạn chế sự sinh trưởng của vi khuẩn, nên đảm bảo độ tươi ngon lâu hơn. Bên cạnh đó, thiết bị lắp đặt nhỏ, không tốn diện tích trong kho lạnh.
Đơn cử, nếu như xe tải bảo quản nho sữa thông thường được hai tháng, thì với công nghệ DENBA có thể lên đến bốn tháng, thậm chí nho ngon ngọt hơn khi độ đường tăng từ 18 lên 22 độ. Điều này giúp kéo dài thời gian bán hàng, tăng doanh thu, đồng thời vận chuyển được đến những nơi xa hơn. Hàu được giã đông trong môi trường DENBA cũng được nhiều chuyên gia đánh giá ngon hơn so với hàu mới đánh bắt và có thể bán trong suốt một năm.
Một giải pháp công nghệ nữa cũng được giới thiệu tại diễn đàn là giải pháp truy xuất nguồn gốc của công ty SBI Tracebility - Shimenawa
Giải pháp truy xuất Shimenawa sử dụng công nghệ blockchain, được vận hành bởi những người có nhiều kinh nghiệm về công nghệ, hướng đến trở thành nền tảng chuỗi cung ứng minh bạch nhất thế giới. Ông Tomohito Wajima - Giám đốc công ty SBI Trcebility khẳng định với công nghệ blockchain thì không thể giả mạo giữa người mua và bán nên sẽ phát triển dịch vụ có tính xác thực cao, phòng ngừa sự giả mạo thông tin trong việc cung cấp chuỗi cung ứng.
Bên cạnh các giải pháp công nghệ, bà Yamashita Tổng giám đốc công ty Vivid Garden còn chia sẻ về chợ nông sản trực tuyến - một trong những nền tảng lớn nhất tại Nhật Bản, nơi mà tại đó người mua và bán có thể kết nối trực tiếp với nhau. Với giải pháp này, bà Yamashita hướng tới mô hình kinh doanh hai loại dịch vụ - mua hàng trực tuyến và đăng gói hàng định kỳ. Trong thời kỳ Covid-19 diễn biến phức tạp, bà cho rằng, thương mại điện tử sẽ là thị trường tiềm năng, có nhiều cơ hội phát triển.
Ông Naito - đến từ công ty Nihon Nogyo thì lại giới thiệu tới các doanh nghiệp Việt Nam giải pháp để tăng năng suất cũng như trồng trọt được các loại trái cây Nhật bản bằng công nghệ cao. Công ty đang ứng dụng công nghệ để sản xuất hàng loạt nông sản với quy mô lớn như nho, lê, đào, khoai lang. Tại nước ngoài ông đã đưa công nghệ này thành công với cây dâu tây ở Thái Lan. Trong diễn đàn, ông Kazuhiro Nakatsuka - Tổng giám đốc sàn giao dịch hàng hóa Osaka Dojima Exchange - sàn giao dịch hàng hóa lâu đời nhất Nhật bản cũng rất kỳ vọng khi chia sẻ về việc mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch quốc tế xuyên quốc gia, và mong muốn có được những hàng hóa chất lượng cao từ Việt nam như cà phê, cây sắn, cây mía.
Điểm nhấn của diễn đàn là việc tập đoàn Nafoods và tập đoàn DENBA ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội nông nghiệp số VIDA, Nafood và DENBA sẽ tạo ra một kênh kết nối trực tiếp để đưa công nghệ nông nghiệp của Nhật Bản ứng dụng được vào nông nghiệp Việt Nam, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các nhà nhập - xuất khẩu nông sản Nhật bản, cùng hợp tác xúc tiến triển khai công nghệ của DENBA vào hoạt động xuất nhập khẩu chung của các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật bản.
Kết thúc diễn đàn, ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đánh giá diễn đàn là cơ hội để tăng cường hợp tác phát triển giao thương giữa hai nước, nhất là trong việc áp dụng công nghệ hỗ trợ nông sản. Ông kỳ vọng thời gian sắp tới sẽ được phía Nhật Bản hỗ trợ, thúc đẩy đưa các sản phẩm nổi tiếng Việt Nam như cà phê, tiêu, điều, các loại thủy hải sản... lên sàn giao dịch quốc tế.
Nguyễn Phượng