Bạn có bao giờ tin rằng đã có giai đoạn nông dân Việt Nam chi phối cả một mặt hàng nông sản trên toàn thế giới?
Vài năm trước, tôi có dịp trò chuyện với những nông dân trồng tiêu ở xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc của tỉnh này. Họ mang hình ảnh khác hẳn so với ấn tượng thường thấy ở nông dân Việt Nam.
Hàng ngày, những người trồng hồ tiêu ở đây dùng smartphone để kiểm tra giá cả của thị trường thế giới. Sau đó họ tự tính toán được sẽ cho phép thương lái bao nhiêu tiền công thu mua. Không có chuyện tư thương ép giá nông dân mà chỉ có chiều ngược lại.
Một cán bộ ngành nông nghiệp đi cùng tôi giải thích: Hồ tiêu khác các mặt hàng nông sản thông thường ở chỗ giá trị cao mà lại dễ cất giữ. Thời điểm đó giá của 1 kg hồ tiêu lên tới 230.000 đồng, trong khi mặt hàng này lại có thể để trong kho tới 2-3 năm mà không hư hỏng. Bất cứ khi nào giá của thị trường thế giới hạ xuống, những người trồng tiêu Việt Nam sẽ ngừng bán ra để tạo khan hiếm và buộc giá phải tăng lên trở lại.
Ánh mắt của người cán bộ nông nghiệp ngời sáng khi khẳng định với tôi: nông dân Việt Nam đang điều tiết thị trường hồ tiêu thế giới. Trong vòng 10 năm qua chúng ta đã buộc giá của mặt hàng này tăng lên gần gấp 10 lần và bây giờ cứ một đồng vốn bỏ ra người nông dân có thể thu về tới năm đồng lãi.
Nông dân Việt Nam điều tiết thị trường thế giới? Đó có phải là một điều đáng kinh ngạc? Nhưng trái với sự phấn khích của nông dân và các cán bộ nông nghiệp, ông Đỗ Hà Nam - chủ tịch Hiệp Hội Hồ tiêu Việt Nam phân tích: đúng là Việt Nam đang sản xuất tới một nửa số hạt tiêu cho toàn thế giới, nhưng thật ra thì thế giới cũng không cần ăn quá nhiều hạt tiêu. Những người nông dân thì không hiểu điều này, họ thấy hạt tiêu quá lãi và thi nhau chặt bỏ cao su, cà phê để trồng tiêu. Năm 2015 diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam đã nhiều gấp đôi với quy hoạch đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT. Hồ tiêu của Việt Nam có năng suất cao nhất thế giới nhưng đi kèm với đó là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều loại bệnh tật trên cây tiêu nở rộ do người nông dân thiếu kinh nghiệm, trồng và thu hoạch tiêu theo kiểu tận thu.
Thực tế ngày hôm nay đã chứng minh lời khẳng định của ông chủ tịch hiệp hội hồ tiêu năm đó. Giá hồ tiêu sau 10 năm liên tục tăng bắt đầu hạ không phanh. Cho đến giờ nhiều người trồng tiêu phá sản, nợ nần vì không có kinh nghiệm trong khi hạt tiêu Việt Nam đã bị nhiều nước trả về vì không đảm bảo các tiêu chí tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Câu chuyện của ngành hồ tiêu, lên đến đỉnh cao chói sáng rồi rơi xuống đáy sâu, có thể xem là một ví dụ điển hình của tư duy làm nông nghiệp “lướt sóng” ở Việt Nam.
Giống hệt với những nhà đầu tư “lướt sóng” trên thị trường chứng khoán, những người làm nông nghiệp ở nước ta khi phát hiện ra một loại nông sản được giá cao sẽ đua nhau chặt bỏ những vật nuôi, cây trồng cũ để chuyển đổi sang những loại nông sản mới. Khát vọng làm giàu này dù là hết sức chính đáng nhưng thực tế chỉ đem đến những loại nông sản chất lượng thấp.
Một tình trạng phổ biến khi “lướt sóng” là nông dân sẽ lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để thúc sản lượng lên cao nhất khi nông sản đang trong cơn sốt giá. Nhưng sau đó các sản phẩm này nhanh chóng ế hàng và phải vứt bỏ. Cũng chính cách “làm nông nghiệp lướt sóng” đem đến cho nông sản Việt Nam một hình ảnh xấu xí. Đó là hình ảnh của nông sản giá thấp và chất lượng thấp, luôn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Những năm gần đây một kịch bản được lặp đi lặp lại: khi Trung Quốc giảm hoặc ngừng thu mua một loại nông sản nào đó ngay lập tức nông dân Việt Nam rơi vào cảnh ế hàng trầm trọng. Dưa hấu, thanh long vứt bỏ cho bò, khoai lang, sắn bỏ mặc ngoài ruộng.
Gần đây nhất, hàng nghìn ha chuối cấy mô ở Đồng Nai đang phải chờ các đoàn thể địa phương tìm cách giải cứu. Trên báo chí, trong các cuộc trò chuyện “trà dư tửu hậu” nhiều người nói đến sự “thâm độc” của các thương lái Trung Quốc - khi thổi giá một mặt hàng nông sản nào đó khiến người nông dân mắc bẫy, trồng quá nhiều rồi không được thu mua.
Cá nhân tôi cho rằng chẳng có một “âm mưu” nào. Chính ngành nông nghiệp Việt Nam đã tự chọn số phận của mình thông qua nuôi trồng theo cách “lướt sóng”. Tư duy đó cũng không chỉ tồn tại ở người nông dân, khi các vị lãnh đạo cũng thường đặt câu hỏi với nông dân “phải trồng cây gì, nuôi con gì” thay vì câu hỏi “làm thế nào để nâng cao chất lượng của các nông sản truyền thống tại địa phương”.
Bản thân câu hỏi "trồng gì" đã hàm chứa ý niệm về việc cái gì bán được giá cao thì chúng ta sẽ trồng (trên đất đang trồng những cây khác).
Khó có thể trách được người nông dân, khi mà nguồn thông tin duy nhất để họ đánh cược ruộng vườn, chỉ là tín hiệu giá từ thương lái. Tín hiệu ấy bất ổn, thì họ phải “lướt sóng”.
Tôi tự hỏi rằng các nhà quản lý, với hệ thống tham tán thương mại ở nước ngoài, với các chuyên gia kinh tế, liệu có thu nhận được tín hiệu gì khác của thị trường thế giới hay không.
Và nếu có, sao người nông dân chỉ biết trông vào thông tin từ thương lái, chỉ nhìn thấy những con sóng trên mặt biển để gửi gắm số phận, mà không biết dưới lòng biển có những gì?
Lê Anh Ngọc