Shili hiện điều hành nông trại Domaine Elixir Bio rộng 94 ha gần thủ đô Tunis của Tunisia, chuyên sản xuất các loại trái cây, rau và ngũ cốc được chứng nhận hữu cơ theo cách mà cô nói là "tôn trọng thiên nhiên".
Doanh thu của trang trại đã tăng mạnh nhờ thị trường mở rộng, đặc biệt là tăng trưởng trong doanh số bán hàng trực tuyến - gấp 5 lần trong nhiều năm để đạt 100.000 euro vào năm 2020, bất chấp các sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn ở một quốc gia có thu nhập trung bình như Tunisia, nơi hầu bao của nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và những năm khủng hoảng kinh tế.
Khi nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng lên, Shili cho biết những thách thức chính nằm ở phía cung. "Ngoài tình trạng thiếu nước triền miên giống như những nông dân khác, chúng tôi phải tự làm mọi thứ từ tra cứu thông tin, tìm kiếm hạt giống đến trồng trọt hữu cơ", cô nói.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, lĩnh vực này đã tăng trưởng mạnh ở Tunisia kể từ đầu thiên niên kỷ. Năm 2001, chỉ có 16.000 ha đất nông nghiệp dành cho canh tác hữu cơ, nhưng đến nay, con số đã nhân lên gấp 20 lần.
Trong số 250 loại sản phẩm hữu cơ ở Tunisia, khoảng 60 loại được xuất khẩu, trong đó chủ yếu là dầu ô liu, chà là, cây thơm và cây thuốc, bên cạnh một số loại rau và trái cây.
Mặc dù có quy mô nhỏ, Tunisia hiện đứng thứ 30 thế giới và đứng đầu châu Phi về diện tích được chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Khi thị trường mở rộng, lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ kéo theo sự phát triển của du lịch và năng lượng tái tạo.
Canh tác sinh học cũng đang tăng trưởng ở Morocco, một quốc gia Bắc Phi khác, nơi diện tích đất nông nghiệp được chứng nhận sản xuất hữu cơ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2011, đạt hơn 10.300 ha.
Tuy nhiên, "điều đó vẫn còn kém xa so với tiềm năng của một quốc gia nông nghiệp", người đứng đầu liên minh nông dân hữu cơ Morocco Reda Tahiri nói với AFP.
Phần lớn các vườn ô liu, cam quýt và hạnh nhân của đất nước nằm xung quanh khu vực Marrakech ở phía nam và gần thủ đô Rabat ở phía tây bắc. Tahiri tin rằng 300.000 ha cây thơm, cây thuốc và cây argan mang tính biểu tượng của đất nước (dùng để chiết xuất dầu) có nhiều tiềm năng để chuyển đổi sang mô hình trồng trọt hữu cơ.
Các nhà chức trách đang cố gắng phát triển lĩnh vực này với "Kế hoạch Morocco Xanh", nhằm hỗ trợ nông dân trang trải chi phí để lấy chứng nhận. Tahiri cho biết chứng nhận để xuất khẩu nông sản sang các thị trường châu Âu hoặc Bắc Mỹ có thể tốn tới 1.000 euro (1.115 USD) mỗi ha hàng năm.
Bộ Nông nghiệp Morocco cho biết sẽ ưu tiên trồng trọt hữu cơ và hy vọng 100.000 ha đất nông nghiệp có thể đạt chứng nhận vào năm 2030, với 900.000 tấn sản phẩm mỗi năm và 2/3 trong số đó dành cho xuất khẩu.
Đoàn Dương (Theo AFP)