Trung tuần tháng 7, An Giang công bố hợp tác với Lộc Trời phát triển chuỗi liên kết hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. "Tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, trong đó các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới bước đầu cho thấy được hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh", ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Lộc Trời cho hay, nông dân tham gia vào các hợp tác xã kiểu mới sẽ được hỗ trợ lựa chọn sản phẩm đầu vào phù hợp nhu cầu thị trường, hỗ trợ tài chính suốt mùa vụ, tư vấn quy trình canh tác đạt chuẩn để tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khỏe và môi trường sống thông qua việc hạn chế và kiểm soát dư lượng vi chất theo các tiêu chuẩn của từng thị trường tiêu thụ.
Những năm gần đây, khi nhu cầu tiêu thụ nội địa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, xanh và thị trường xuất khẩu sang EU đang rộng mở sau EVFTA, sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững tiếp tục trở thành xu hướng được quan tâm. "Hiện hầu như các địa phương cũng đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để hướng tới phát triển nông nghiệp xanh", TS Nguyễn Trọng Nguyên, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, đánh giá.
Câu chuyện nông nghiệp bền vững ở Việt Nam không mới. Từ năm 2013, Quyết định 899 của Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến 2018, có 33 tỉnh thành có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với gần 76.700 ha, đứng thứ bảy châu Á và thứ ba Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nếu so với diện tích đất nông nghiệp (26,8 triệu ha) thì tỷ lệ còn rất nhỏ, chỉ chiếm 0,28% trong khi con số này ở Thái Lan là 0,41% hay Trung Quốc là 0,59%. Ngoài ra, theo World Bank, tiêu thụ phân bón của Việt Nam vẫn tăng qua từng năm. Phát thải khí nhà kính cũng tăng, theo FAO.
"Nông nghiệp xanh ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả như các mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường đã được triển khai, tiêu thụ thuốc trừ sâu hoá học có xu hướng giảm", nghiên cứu của nhóm chuyên gia Phí Thị Hồng Linh và Bùi Thị Thanh Huyền của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cho rằng quy mô sản xuất nhỏ và việc tiêu thụ phân bón, phát thải khí nhà kính vẫn tăng là hạn chế đáng chú ý.
Theo nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế quốc dân, các nguyên nhân cản trở bao gồm: khung pháp lý và thực thi có liên quan đến sản xuất nông nghiệp xanh còn nhiều bất cập; các quy hoạch và chính sách thu hút cũng hạn chế; việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp xanh còn ít, cũng như nhận thức nông dân cũng có giới hạn.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Nguyên, làm nông nghiệp bền vững ở Việt Nam còn khó vì mục tiêu gia tăng sản lượng là một áp lực lớn, khiến nhiều nông dân có thể dùng các sản phẩm vô cơ thiếu an toàn trong sản xuất. "Ngoài ra, biến đổi khí hậu như hạn hán, sạt lở sâu bệnh cũng ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp bền vững", ông nói.
Cho đến nay, để phát triển nông nghiệp bền vững, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ về ưu đãi tín dụng, đất đai, thu hút đầu tư và bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam - Kinh nghiệm các quốc gia châu Á" do Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) tổ chức mới đây, còn rất nhiều việc phải làm để thực sự phát triển được lĩnh vực này.
Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện và có thêm chính sách hấp dẫn về thu hút đầu tư, xúc tiến thị trường tiêu thụ và mở rộng bảo hiểm nông nghiệp, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng ứng dụng IT để hướng tới nông nghiệp 4.0 là ý tưởng được nhấn mạnh.
Nghiên cứu được dẫn dắt bởi Thạc sỹ Mai Lê Thúy Vân, Khoa Kinh Tế, Đại học Kinh tế - Luật cho rằng, động lực mới để ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong giai đoạn tới là "tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp" thông qua các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, hình thành các hiệp hội, hợp tác xã, có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp.
"Việc ứng dụng các công nghệ mới như Internet Vạn vật, Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, Điện toán đám mây sẽ đem đến lợi ích to lớn cho nông nghiệp", chuyên gia Nguyễn Quang Hưng của Đại học Kinh tế - Luật nhận xét đây là điều cấp thiết nếu không các quốc gia ứng dụng công nghệ này sẽ vượt lên.
Tại Thái Lan, chính sách đổi mới công nghệ cho nông nghiệp theo Cách mạng công nghệ 4.0 đã được ban hành. Tại Mỹ, nông nghiệp tại những nơi khô cằn vẫn được phát triển thành những khu khép kín, với giá trị kinh tế mỗi ha lên đến 120.000-150.000 USD mỗi năm. Tại Israel, tất cả trang trại đều được trang bị hệ thống điều khiển kỹ thuật số với cảm biến và điều khiển tự động. Gần đây, công nghệ này đã được Hoàng Anh Gia Lai áp dụng trên 80.000 ha đất các loạt cây trồng.
Ông Nguyễn Trọng Nguyên xác nhận các công nghệ như đăng ký mã số vùng trùng, tưới tiết kiệm tự động điều khiển từ xa đã dần phổ biến ở Việt Nam và mang lại hiệu quả. Vấn đề cần cải thiện nhất thời gian tới là nhận thức.
"Rào cản lớn nhất là nhận thức. Đa số sản xuất nông nghiệp là quy mô nhỏ, trình độ nông dân phần nhiều còn hạn chế. Vì thế, để người nông dân tiếp nhận, sử dụng, và phát huy các công nghệ mới cũng là vấn đề. Nhưng tôi nghĩ trong tương lai gần thôi cũng sẽ tiếp cận được công nghệ nông nghiệp 4.0", ông lạc quan.
Viễn Thông