Hà Nội, nghe mùa đông đang xào xạc trên những khe cửa, tôi co ro trong tấm chăn còn thơm mùi sợi mới. Có lẽ mùa đông làm người ta thu lòng mình lại nhiều hơn, nỗi nhớ thêm se sắt hơn và đôi bàn tay lạnh lẽo cần thêm một bàn tay khác, ấm hơn, mềm hơn và da diết hơn. Tôi nhớ, nhớ nơi ấy - Sài Gòn của riêng tôi.
Tôi nằm dán mắt lên trần nhà nhớ từng điệu cười e thẹn của đứa con gái bé bỏng mỗi khi tôi khen váy con đẹp, con múa giỏi, con hát hay. Tôi nhớ hai thằng con sinh đôi còn đang tuổi học nói ê a vài câu từ chưa rõ, hỏi gì cũng trả lời “Không”. Không cả yêu ba, không cả yêu mẹ nhưng ba đi ra khỏi cửa chưa nổi 10 mét thì đã khóc um xùm. Tôi nhớ vợ tôi, nhớ đôi mắt thâm quầng, nhớ đôi bàn tay thô ráp thoăn thoắt như cái máy lập trình, nhớ bữa cơm chiều thơm mùi ngò gai của tô canh chua mát lịm. Nhớ điệu cười quen thuộc vương lọn tóc trên môi.
Có lẽ đã rất lâu rồi tôi và vợ chưa được đi chơi riêng cùng nhau, chưa được ngồi chung với nhau bên ly cà phê ngọt ngào cùng ngắm phi trường rồi đếm xem có bao nhiêu cái máy bay cất cánh. 5 năm trôi qua, tôi như con ngựa bất kham đi khắp các công trường, một phần vì đam mê, một phần vì muốn mang đến cho vợ và các con cuộc sống sung túc hơn, đầy đủ hơn. Thế nhưng đổi lại là những chuỗi ngày đẵng đẵng nhớ mong. Vợ tôi ngày một héo hon vì một mình cáng đáng việc nhà, con nhỏ và cửa hàng kinh doanh. Một phần vì những đêm con bệnh con đau một mình chăm con trong cô quạnh, tôi ở xa chỉ có thể gọi về vài cuộc điện thoại rồi nóng ruột ngồi chờ tin tức tốt lành từ vợ.
Cuộc sống mưu sinh, bao khó khăn vất vả đè nặng lên đôi vai của hai vợ chồng trẻ từ ngày ấy đến bây giờ khiến tình cảm trở nên héo lạnh và nhàn nhạt. Nhiều khi tôi muốn hâm nóng tình yêu ấy, muốn mua tặng vợ bó hoa ngày sinh nhật thì mới sáng ra vợ đã dặn mua gì về ăn đừng mua hoa tốn tiền… Có lẽ sẽ có nhiều người suy nghĩ giống vợ tôi, khi hôn nhân đối mặt với thực tế thì những thứ lãng mạn thuở nào đã trở thành xa hoa, phù phiếm.
Ngày con gái 9 tháng tuổi, vợ gửi con cho người bà con giữ, rồi đi làm. Sáng, vợ ráng dậy sớm nấu cháo cho con mang theo ăn sáng - trưa, nấu cơm hai vợ chồng mang theo khỏi mất công mua ngoài tiệm. May mắn có bữa cơm tối ở nhà được ăn cùng nhau. Lộp chộp bầu đôi rồi sinh con, 3 đứa nheo nhóc, chuyện hai vợ chồng được ăn chung với nhau một bữa cơm trở thành xa xỉ. Nhiều khi thèm ăn cơm cùng vợ, tôi phải lấy một tô hai đứa ăn chung.
Mâm cơm chung đã trở nên xa lạ. Con lớn rồi đi học, vợ tôi lại xoay ra mở cửa hàng. Khách khứa đông tới khuya. Bữa cơm chung lại vẫn là niềm mơ ước bởi giờ cơm là giờ khách đông, một trong hai phải trực chiến. Cửa hàng chưa hết mùi sơn tôi đi công tác dài đằng đẵng. Tính ra cũng gần cả năm. Nhìn thấy nhau còn hiếm nói gì đến bữa cơm gia đình. Nhiều khi tôi tự hỏi lòng không biết đến khi nào gia đình nhỏ của tôi mới có được bữa cơm sum vầy.
Nằm thao thức, bỗng nghe văng vẳng ngoài cửa sổ nhà ai đang mở nhạc Giáng sinh, một tiếng khóc trẻ thơ ré lên trong đêm lạnh khiến tôi tê tái trong lòng. Đường phố Sài Gòn giờ này chắc cũng đang ngập tràn không khí Noel. Tôi trở mình, trằn trọc. Có lẽ tôi phải về thôi, thời khắc ấy, không khí ấy thôi thúc tôi trở về. Tôi sẽ về sụm họp gia đình, nghe gió Sài Gòn hiu hiu lạnh, nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên lan tỏa, nghe con hát lời hát Giáng sinh an lành và nghe vợ tôi nói lời cảm ơn từ sâu trong ánh mắt, để nghe tình yêu nồng nàn, say đắm, lên hương.
Ngô Văn Vinh
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |