Câu hỏi đặt ra là chừng nào thì sự nóng lên toàn cầu và nắng nóng ở các vùng khác nhau trên thế giới đạt đến một giới hạn nhất định. Câu trả lời là không có mức tới hạn nào cả, hoặc chúng ta không thể đặt ra một ngưỡng tới hạn cho sự nóng lên toàn cầu. Nhưng, sức chịu đựng của con người thì lại có giới hạn.
Năm 2017, lần đầu tiên tôi đưa tin về đợt nắng nóng kỷ lục xảy ra ở miền bắc. Lúc đó nhiệt độ khí tượng ở mức 40 độ C ở đa số các vùng phía Bắc và Hà Nội, nhiệt độ ngoài đường đạt 43 độ C. Tôi nghĩ đó đã là kỷ lục. Rồi đến tuần cuối tháng 6 năm 2018, tôi đưa tin về một đợt nắng nóng kinh hoàng sắp diễn ra từ 1/7 đến 5/7/2018. Và rồi đợt nắng nóng đó cũng diễn ra đúng như dự báo. Nóng kinh hoàng.
Ngay tại ban công nhà mình, tôi ghi nhận nhiệt kế chỉ 50 độ C. Và đến năm nay, cả miền Bắc đã chẳng được hưởng một không khí Tết đúng nghĩa với mưa phùn lâm thâm và cái rét xuýt xoa như bao mùa xuân khác. Mùa Xuân năm nay khác rồi. Nắng ngập tràn phố xá làng quê, nóng oi bức trong bữa cơm tất niên ngày cuối năm, nóng chói chang những ngày đầu năm mới.
Rồi đến tháng Tư, Việt Nam lại được ghi nhận một đợt nắng nóng kỷ lục mới với nhiệt độ khí tượng lên đến 43 độ C ở Hà Tĩnh. Và, trong những bản tin sau đó, tôi chẳng muốn dùng từ "nắng nóng kỷ lục" nữa bởi chẳng ai đảm bảo rằng sẽ có một kỷ lục khác sẽ phá vỡ kỷ lục của ngày hôm nay.
Những ngày qua, tôi tham dự một hoạt động chuyên môn cùng các đồng nghiệp đến từ 12 quốc gia đang chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Trong các câu chuyện chính thức và không chính thức, nắng nóng luôn là chủ đề thường trực. Ấn Độ, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Pakistan và cả những vùng núi cao Nepal đã và đang ghi nhận những đợt nóng kỷ lục. Đó là vấn đề quan trọng cần có những hành động can thiệp kịp thời hoặc ít ra là giải pháp thích ứng lâu dài từ các chính phủ và mọi người.
Theo báo cáo gần nhất của Ủy ban Liên quốc gia về biến đổi khí hậu (IPPC), loài người có rất ít cơ hội khống chế mức nóng thêm toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C đến năm 2030 bởi nồng độ khí nhà kính ở tầng khí quyển đã vượt ngưỡng cân bằng.
Để khống chế nhiệt độ không tăng nữa phải đồng thời áp dụng hai biện pháp. Một là dừng phát thải khí nhà kính về zero và áp dụng công nghệ để xử lý nhà kính tồn đọng trong khí quyển. Hai là phải trồng một diện tích cây rừng tương đương diện tích bề mặt trái đất trong vòng 40 năm để hấp thụ lượng CO2 dư thừa hiện có. Cả hai việc trên đều bất khả thi bởi con người vẫn cần ăn, tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính hàng ngày.
Trong khi đó, Mỹ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đã rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, Trung Quốc thì cam kết giảm phát thải bằng chiêu trò, đó là đẩy nguồn phát thải CO2 trong nước ra nước ngoài. Các nước phát triển khác cũng muốn đẩy trách nhiệm giảm thiểu biến đổi khí hậu cho các nước nghèo và các nước đang phát triển bằng các cơ chế tài chính. Bản chất đó là các khoản vay cho các dự án năng lượng và đầu tư hạ tầng.
Sự bất bình đẳng trong việc chung tay bảo vệ bầu khí quyển đang là rào cản lớn nhất ngăn cản những nỗ lực của loài người nhằm bảo vệ chính mình. Biến đổi khí hậu trở thành cha chung không ai khóc và trách nhiệm không thuộc về ai. Như thế, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng kèm theo những diễn biến thất thường của thời tiết và gia tăng những thiên tai cực đoan trong những năm tới đây.
Khi nóng quá, bạn sẽ tìm đến chỗ mát hơn. Khi xung quanh không có chỗ mát hơn, bạn phải tự trang bị các thiết bị làm mát cho riêng mình. Đó là quyền cơ bản và là điều cần thiết để bảo vệ chính mình trong cơn nắng nóng. Tuy nhiên, việc thích ứng tự phát đó sẽ khiến cho môi trường xung quanh bên ngoài cái hộp an toàn của mỗi người trở nên tồi tệ hơn.
Bạn có thể dùng công nghệ để làm mát căn phòng mình đang ở. Nhưng đồng thời bạn sẽ đẩy lượng nhiệt nóng ra môi trường chung, bạn sẽ sử dụng tài nguyên hóa thạch nhiều hơn và như vậy bạn góp phần vào quá trình nóng lên toàn cầu.
Sự tăng lên của nhiệt độ toàn cầu kết hợp với mất rừng, mất đi các hồ ao sông suối và quá trình đô thị hóa xảy ra chóng mặt ở hầu hết các quốc gia đang đẩy con người vào cãi bẫy do chính mình tạo ra. Chúng ta khó để có thể tự nâng cao ngưỡng chống chịu với nắng nóng, thì chí ít cũng nên dừng lại việc tạo ra các nguy cơ cho chính mình. Nhiệt độ khí tượng có thể tăng 1 đến 2 độ C nhưng nhiệt độ thực tế ở môi trường đô thị có nhiều nhà cao tầng và ít cây xanh có thể tăng lên hơn nhiều lần so với con số đó.
Vậy nên, giải pháp trước mắt và lâu dài cho các thành phố như Hà Nội và TP HCM vẫn là tăng diện tích cây xanh và hồ chứa nước, ngừng việc cấp phép cho các dự án lấn sông, lấn hồ và làm gia tăng mật độ dân cư như các khu đô thị chứa hàng nghìn căn hộ. Đó là cách duy nhất con người có thể tự sửa sai để cứu lấy mình.
Nguyễn Ngọc Huy