Nghiên cứu công bố hôm 30/3 trên trang medXriv phát hiện các bệnh nhân Covid-19 sản sinh lượng kháng thể khác nhau. Sự xuất hiện kháng thể trong mạch máu có nghĩa cơ thể bệnh nhân đang chống lại dịch bệnh. Nhưng khoảng 6% bệnh nhân trong nghiên cứu không phát triển kháng thể, theo Huang Jinghe, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Phục Đán, Thượng Hải, Trung Quốc, cho biết.
Mức độ kháng thể mà bệnh nhân tạo ra dường như tương ứng với độ tuổi. Bệnh nhân trung niên và cao tuổi đã hồi phục có lượng kháng thể cao hơn. 9 trong số 10 bệnh nhân không phát triển kháng thể chống nCoV có độ tuổi từ 40 trở xuống. Việc tìm hiểu sâu hơn kháng thể chống virus như thế nào có nhiều ý nghĩa đối với công tác phát triển vaccine và xây dựng miễn dịch cộng đồng.
Trong nghiên cứu, Huang và cộng sự lấy mẫu máu của 175 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục ở các bệnh viện tại Thượng Hải và có triệu chứng nhẹ. Họ loại trừ bệnh nhân triệu chứng nặng bởi nhiều người được truyền máu để điều trị. Những người tham gia nghiên cứu có độ tuổi từ 16 đến 68. Nhóm nghiên cứu chia họ thành 3 nhóm gồm người cao tuổi (60 - 85), trung niên (40 - 59) và trẻ tuổi (15 - 39).
Các nhà nghiên cứu phát hiện bệnh nhân phát triển kháng thể khoảng 10 - 15 ngày sau khi bệnh khởi phát và duy trì tình trạng ổn định sau đó. Họ đo lượng kháng thể vô hiệu hóa virus (NAb) trong máu của mỗi bệnh nhân. Theo nhóm nghiên cứu, bệnh nhân cao tuổi đã hồi phục có lượng kháng thể cao hơn nhiều so với người trẻ tuổi. Nhưng không có sự khác biệt nào giữa thời gian điều trị trong bệnh viện của các bệnh nhân. "Kết quả chỉ ra lượng NAb cao có thể hữu ích trong việc tiêu diệt virus và thúc đẩy quá trình hồi phục ở bệnh nhân cao tuổi và trung niên", nhóm tác giả nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu rất ngạc nhiên khi nhận thấy 1/3 số bệnh nhân là dưới 500 hàm lượng kháng thể, mức độ quá thấp để bảo vệ cơ thể. "Có khoảng 30% bệnh nhân thất bại trong việc điều chỉnh lượng kháng thể vô hiệu hóa virus sau khi nhiễm COVID-19 dù thời gian mắc bệnh của những bệnh nhân này so với người khác tương tự nhau", nghiên cứu cho biết.
Ở 10 bệnh nhân không phát triển kháng thể trong nghiên cứu, các phản ứng miễn dịch khác như tế bào T hoặc protein cytokine có thể góp phần giúp bệnh nhân hồi phục. Tế bào T là tế bào bạch cầu chuyên tiêu diệt tế bào chứa virus trong khi cytokine là một loại phân tử mà tế bào tiết ra để chống lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu tế bào giải phóng quá nhiều cytokine, phản ứng viêm có thể gây tổn thương ở mô của bệnh nhân Covid-19.
Nhóm nghiên cứu không biết chắc kháng thể sẽ tồn tại bao lâu ở những người đã hồi phục. Thông thường, khi cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại mầm bệnh, họ sẽ không mắc lại bệnh nữa. Tuy nhiên, với những virus thường xuyên đột biến như cảm lạnh thông thường hoặc cúm mùa, kháng thể chống lại một biến thể sẽ không hiệu quả đối với biến thể khác.
Lượng kháng thể thấp có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, sức đề kháng đối với dịch bệnh của từng người. "Đây là một nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện ở những bệnh viện tuyến đầu. Điều đó có nghĩa là khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ đòi hỏi thêm nhiều dữ liệu từ các nơi khác trên thế giới", Huang Jinghe chia sẻ.
An Khang (Theo Business Insider)