Sau những đợt mưa lớn liên tục bắt đầu từ ngày 13/9, nước sông Lam lên nhanh, nhấn chìm nhiều làng mạc ở các xã hai bên sông. Những cánh đồng lúa phơi phới chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch bỗng nhiên bị nước lũ chôn vùi.
Người dân các xã như Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Xuân, Thanh Mai, Thanh Khai (huyện Thanh Chương, Nghệ An), Nam Anh, Khánh Sơn, Nam Cường, Nam Thượng (huyện Nam Đàn), Hưng Nhân, Hưng Khánh, Hưng Lĩnh, Hưng Long của huyện Hưng Nguyên vừa tất tả chạy lũ vừa cầu mong trời ngớt mưa, nước lũ rút nhanh để đi cứu lúa.
Đến ngày 16/9, mưa bắt đầu ngớt, nước lũ xuống chậm, người dân xứ Nghệ ngụp lặn trong nước để gặt lúa chạy lũ thì bất ngờ trời lại đổ mưa, cộng với việc nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ khiến cho nước sông Lam lại dâng lên, bà con nông dân đành bất lực nhìn những cánh đồng tiếp tục ngâm trong nước.
Cánh đồng lúa biến thành màu chết chóc. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Sau hai tuần thử thách, đợt lũ mới bắt đầu rút để lại những lớp bùn đất đỏ ngầu bám trên lúa. Màu vàng rộm no ấm trước đây trên đồng bị biến thành màu đen chết chóc. Những thửa ruộng biến thành lớp bùn bốc mùi tanh nồng nặc.
Cũng như nhiều nông dân khác, ngay khi lũ vừa rút, người dân xóm Nam Sơn, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương vội vàng ra đồng cố gắng mót lấy những cọng lúa còn lành bị vùi.
“Mất trắng cả rồi, chưa bao giờ nước lụt ngâm lâu như năm ni, toàn bộ 6 sào lúa của gia đình tôi giờ biến thành bùn cả rồi”, vừa cố gắng cầm liềm cắt những cây lúa nặng trĩu trong nước, bác Nguyễn Đình Sơn vừa ngao ngán nói.
Thu hoạch lúa mùa đã cực nhọc nhưng thu hoạch lúa ngâm lũ còn khó khăn hơn gấp bội. Toàn bộ phần thân cây đều bị ngâm nước đến mềm nhũn, các hạt thóc bị thối, biến thành màu đen ngâm lẫn với bùn đất. Người dân vừa phải ngụp lặn trong nước lũ để đưa lúa lên những chiếc thuyền nan rồi mới đưa được lên bờ.
Sau khi đưa lên bờ, lúa không thể tuốt ngay mà phải vứt ra đường vừa để phơi cho ráo nước vừa cho xe cộ chạy để các hạt thóc rơi hết bùn đất rồi mới mang về tuốt. Với những thửa ruộng bị ngâm nước quá lâu, lúa và rơm rạ đều bị thối thì người dân phải dùng chân để dẫm như thời trung cổ mới mong lấy được hạt thóc.
“Loại lúa ngâm lụt này không thể ăn uống gì được nhưng vẫn phải thu hoạch về để cho lợn gà. Vụ hè thu này coi như công cốc. Đi gặt lúa mà chỉ muốn khóc vì bao nhiêu công sức vất vả, mệt nhọc suốt mấy tháng trời giờ biến thành đám bùn đen”, chị Nguyễn Thị Hà ở xã Thanh Lương tâm sự.
Nông dân miền trung mất trắng vì lúa ngâm trong lũ. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Không chỉ riêng nông dân huyện Thanh Chương mà tại các huyện như Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, tình hình cũng không khả quan hơn là mấy. Ủy ban phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, trong đợt lũ này, toàn tỉnh có khoảng 16 ngàn ha lúa và 8 ngàn ha ngô, rau màu đang vào độ thu hoạch bị ngập nước, hơn một nửa trong số đó mất trắng vì nước ngâm quá lâu ngày.
Khi người dân đang hối hả ra đồng mót lúa ngâm lũ thì cơn bão Haitang đổ về. Dù không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến xứ Nghệ mưa như trút nước, các cánh đồng ngập lụt chưa kịp thoát hết nay lại đối phó với nguy cơ nước tiếp tục dâng cao. Cơn bão Nesat cũng đang ngấp nghé tiến vào biển Đông đẩy người dân miền Trung vào cảnh tiếp tục phập phồng lo lắng.
Nguyên Khoa