Bà Nguyễn Thị Bình, 61 tuổi, ở xã Minh Tân, thị xã Kinh Môn, là một trong hai gương mặt ở tỉnh Hải Dương được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, 18 tuổi, bà Bình nhập ngũ công an vũ trang rồi phục viên, làm công nhân nhà máy xi măng Hoàng Thạch. Nuôi khát vọng làm giàu, năm 1994, bà Bình thôi việc để cùng chồng mở công ty kinh doanh vật liệu xây dựng. Nhờ chăm chỉ và may mắn, vợ chồng bà có của ăn của để.
Cuối năm 2005, bà Bình đi hội chợ nông nghiệp ở Hải Phòng, được phát tài liệu giới thiệu mô hình nuôi đà điểu. Thấy con vật hoang dã, to lớn được nuôi như gà, vịt, bà Bình rất tò mò và nảy ý định làm theo. Tuy nhiên, bốn năm sau, bà Bình mới quyết tâm chuyển đổi mô hình sản xuất của gia đình sang nuôi đà điểu.
Sau nhiều ngày đến Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) tham quan, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, bà Bình huy động vốn của gia đình, vay mượn thêm để đầu tư 5 tỷ đồng xây trang trại với 60 đà điểu hơn ba tháng tuổi.
Những ngày đầu, bà Bình vấp phải sự phản đối quyết liệt của chồng. Ông cho rằng việc bỏ tiền tỷ đầu tư nuôi loại động vật hoang dã, xuất xứ ở châu Phi quá mạo hiểm. "Tôi đã tìm mọi cách để ngăn cản nhưng không khuất phục được ý chí của bà ý", ông Bùi Văn Hiền, chồng bà Bình, nhớ lại.
Việc nuôi đà điểu không dễ dàng, công nhân trang trại chưa quen cách tiếp xúc, chăm sóc nên thường bị đà điểu đá hoặc làm chúng chạy loạn dẫn đến gãy chân. Tết năm 2010, tiếng pháo hoa giao thừa khiến đà điểu hoảng sợ, nhảy ra khỏi chuồng, chạy khắp nơi. Cả gia đình, công nhân trang trại phải chia nhau đi tìm.
Kiên trì chinh phục, bà Bình và công nhân trang trại dần thuần dưỡng được những con chim khổng lồ. "Bây giờ cứ thấy bóng áo xanh của công nhân là cả đàn ngóc đầu hóng thức ăn chứ không còn hung dữ hay bỏ chạy như trước", chị Vũ Thị Huyền, người gắn bó hơn 10 năm với trang trại, nói.
Trang trại hiện có khoảng 200 đà điểu trong độ tuổi sinh sản, 400 con thương phẩm, nuôi trong 20 lô chuồng diện tích khoảng 200 m2 mỗi lô.
Để đà điểu có không gian chạy nhảy, bà Bình bố trí 30 con trong một lô, rải nền bằng cát vàng, mặt trước chuồng có máng ăn uống. Hàng ngày, công nhân phải dọn vệ sinh chuồng sạch sẽ, đảm bảo đà điểu không ăn nhầm vật lạ.
Tuy nguồn gốc hoang dã, đà điểu dễ nuôi, thích nghi tốt khí hậu ở miền Bắc, ít bệnh tật, ăn được nhiều loại cỏ dại và cám được làm từ bột gạo và ngô. Để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, bà Bình xây dựng mô hình nuôi khép kín. Phân đà điểu được bón cho cây cỏ, cá và bèo, sau đó cây cỏ và bèo lại làm thức ăn cho chúng. Mỗi ngày, một đà điểu ăn hết 1,5 kg bột, 1kg cỏ và uống 4 lít nước, vào mùa sinh sản sẽ ăn nhiều hơn.
Không chỉ cung cấp giống, trứng, thịt, bà Bình còn chế biến giò, xúc xích đà điểu thành sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng OCOP 4. Thậm chí, bà còn tự mở nhà hàng tại TP Hải Dương để giới thiệu các món ăn từ đà điểu.
Bà Bình luôn làm việc ở trang trại đến tối muộn để kiểm tra từng lô chuồng, lồng ấp trứng. "Tôi duy trì thói quen này từ những ngày đầu lập trại. Với loại vật nuôi có giá trị cao, một sai lầm nhỏ cũng khiến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng bay mất sau một đêm", bà lý giải.
Cùng thời điểm bà Bình bắt đầu xây dựng trai trạng, ở Hải Dương cũng có người nuôi đà điểu nhưng phá sản. "Tôi tìm đến tận nơi hỏi chuyện, đúc rút kinh nghiệm cho mình để tránh đi vào vết xe đổ của họ", bà chủ trang trại nói.
Năm 2020, trại đà điểu của bà Bình lãi hơn 1,3 tỷ đồng, năm 2021 và 2022 lãi hơn 2 tỷ đồng. Trang trại trị giá hàng chục tỷ đồng còn là nơi giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với mức lương 6-15 triệu đồng.
"Mong ước của tôi là tạo ra một trung tâm giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho người dân đến học hỏi, nhập con giống với giá thành thấp", bà Bình nói, cho hay thời gian tới sẽ mở rộng quy mô trại lên 2.000 con.
Ông Hoàng Minh Côi, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kinh Môn, nhận xét bà Bình là "nông dân xuất sắc, có tinh thần dám nghĩ, dám làm". Ngoài làm kinh tế giỏi, bà còn tích cực tham gia từ thiện, xây dựng nông thôn mới và các hoạt động ở địa phương.
Lê Tân