"Một đội quân" người già đẩy xe đi nhặt bìa, thùng carton khắp các con phố là hình ảnh quen thuộc tại Hong Kong. Thi thoảng, họ bắt đầu công việc từ lúc bình minh nhưng đa phần vẫn làm việc suốt đêm. Mỗi ngày, họ chỉ kiếm được khoảng 2,6 USD.
"Những bà già carton" là tên gọi của họ tại thành phố giàu có này. Một tổ chức phi chính phủ ước tính Hong Kong có khoảng 5.000 "bà già carton". Con số này nhiều hơn 40% các siêu xe Ferrari, Lamborghini và Rolls Royce thường xuyên xuất hiện trên đường phố đông đúc tại Trung tâm tài chính của châu Á.
Sau 20 năm, Hong Kong đã tích luỹ được khối tài sản khổng lồ từ khi trở về với Trung Quốc, nhưng đây cũng là một trong những nơi có khoảng cách giàu nghèo cao hàng đầu thế giới. Năm 2017, bất bình đẳng thu nhập tại Hong Kong cao nhất châu Á, thậm chí vượt cả Mỹ và Anh.
"Tôi làm công việc này để có tiền mua thức ăn", bà Fok Mei-sung 67 tuổi chia sẻ. Người nông dân này rời tỉnh Quảng Đông đến Hong Kong 20 năm trước.
Đây là thời điểm các nhà máy ở Hong Kong được chuyển về những vùng quê Trung Quốc. Trong khi, một làn sóng xây dựng bùng nổ đã biến hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp tại Hong Kong thành các toà nhà phục vụ tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Và bà Fok là điển hình cho sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ rệt tại Đặc khu hành chính này.
Cuối tháng 6, một cuộc biểu tình nổ ra sau khi một "bà già carton" 75 tuổi bị bắt và phải nộp phạt 5.000 đôla Hong Kong vì bán một tấm bìa carton với giá 1 đôla không có giấy phép. Sau đó, giới chức Hong Kong đã bỏ khoản tiền phạt sau khi tham khảo ý kiến công tố viên và xem xét hoàn cảnh của bà cụ.
"Những người già này đã lao động suốt cả đời, góp phần xây dựng thành phố tươi đẹp. Nhưng những gì các bạn thấy hiện tại là một nhóm công nhân bị lãng quên. Khi tuổi cao sức yếu, họ chỉ có thể đi nhặt giấy bìa về bán với giá thấp để duy trì cuộc sống", Terry Lum - Giáo sư tại Đại học Hong Kong cho biết.
Nhiều người lao động trong nhóm này, đặc biệt là phụ nữ ít được học hành di cư từ Trung Quốc tới Hong Kong vào cuối những năm 1990 với hy vọng có thể cải thiện cuộc sống của gia đình. Họ bắt đầu làm những công việc lương thấp mà họ tìm được.
Trung tâm Chính sách công Hong Kong coi những lao động này là thành phần kinh tế dễ bị tổn thương nhất và cần được hỗ trợ. Trong giai đoạn 1995 - 2002, 44% công nhân vệ sinh ở Hong Kong đến từ Trung Quốc, trong đó 78% là phụ nữ.
Bà Fok cũng từng là một công nhân vệ sinh với mức lương thấp, không đủ để mua nhà. Gần đây, bà thường xuyên nghĩ về những người hàng xóm cũ ở Trung Quốc.
Bà cho biết họ nhận được tiền đền bù đất nông nghiệp lên tới hàng trăm nghìn NDT. Bà tiếc nuối vì đã chuyển hộ khẩu rời đi nên không thể nhận được số tiền này, trong khi, giá bất động sản ở Hong Kong đã tăng 400% kể từ năm 2003.
"Họ hiện rất giàu có, thậm chí không thể tiêu hết tiền. Ở độ tuổi của tôi, họ được du lịch, uống trà, chơi mạt chược...", bà chia sẻ.
Theo Giáo sư Lum, lượng nhà ở xã hội và trợ cấp của chính quyền không đủ đáp ứng cho những người lao động nghèo về hưu. Thời gian đợi nhà ở xã hội trung bình là 5 năm dù chính quyền đã cam kết xây dựng nhiều hơn.
Suốt nhiều năm qua, bà Fok đã phải dành hai phần ba trên 3.000 đôla Hong Kong thu nhập mỗi tháng để thuê một căn hộ nhỏ. Sau hai năm nghỉ hưu, bà đã tiêu hết hết 50.000 đôla - số tiền dành dụm hơn 20 năm lao động. Tuy nhiên, người phụ nữ này đã may mắn nhận được nhà ở xã hội vào tháng 9 năm ngoái sau 5 năm chờ đợi.
Bà cho biết: "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc nhưng tôi biết nhiều người già không được may mắn như tôi. Chúng tôi nhận được khoản trợ cấp 2.490 đôla mỗi tháng nhưng vẫn phải vất vả để kiếm sống. Khoản tiền này chỉ đủ mua rau mỗi ngày".
Hơn 14 năm ngồi xổm và cúi cong người đã khiến bà Fok bị bệnh ở lưng. Bà ly dị chồng và không nhận tiền từ hai người con trai vì họ đều làm những công việc lặt vặt, thu nhập còn không đủ lo cho gia đình. "Tôi hy vọng cuộc sống của tôi ở đây sẽ giúp cho con và cháu tôi có một tương lai tốt đẹp hơn", bà Fok tâm sự.
* Nhà hòm tại Hong Kong
Anh Tú (theo Bloomberg)