Hơn một tháng nay, Luo Yingdi, 50 tuổi, đã bận rộn phun thuốc trừ sâu trên các cánh đồng lúa mì. Mỗi ngày, anh phun được 67 ha với sự hỗ trợ của máy kéo phun thuốc.
"Tôi có 6 máy phun thuốc nông nghiệp và 2 máy bay không người lái (drone) để phun thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Bảy nhân viên từ công ty dịch vụ nông nghiệp của tôi làm công việc phun thuốc", ông Luo, người đã làm nông nghiệp được 21 năm ở huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, kể. Ngoài chăm sóc 53 ha đất ruộng, ông cung cấp dịch vụ phun thuốc cho các nông dân khác.
Thời điểm xuân phân rơi vào ngày 20/3 năm nay. Sau xuân phân, ngày dài hơn, thời tiết ấm hơn, và cây cối bắt đầu phát triển nhanh. Vào khoảng thời gian này, mùa làm nông chính ở Trung Quốc bắt đầu. Các hoạt động canh tác diễn ra sôi nổi trên khắp đất nước.
Ở tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, Li Fuqiang, 38 tuổi, đã tích trữ đủ phân bón và hạt giống đậu tương cho vụ sắp tới. Li được trao tặng danh hiệu "Bậc thầy về đậu tương" cấp tỉnh năm 2018 về trồng đậu nành chất lượng. Ông dự kiến trồng 3.333 ha đậu nành chất lượng không biến đổi gen năm nay.
Hắc Long Giang là vùng sản xuất đậu tương lớn nhất Trung Quốc, chiếm khoảng một nửa tổng diện tích trồng đậu tương của cả nước. Diện tích đậu tương của tỉnh vượt 4.66 triệu ha vào năm 2020 và sẽ vẫn ổn định trong năm nay, theo Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh.
Để bổ sung cho việc sử dụng máy móc nông nghiệp lớn và thậm chí cả máy bay không người lái, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển một số sản phẩm công nghệ cao để giúp nông dân tiếp cận tốt hơn với bí quyết nông nghiệp, sử dụng nền tảng quản lý thông minh và kiểm soát sâu bệnh hại cây trồng tốt hơn.
"Tôi đã học được cách sử dụng phân bón và thuốc diệt cỏ hiệu quả hơn bằng cách xem livestream về nông nghiệp. Tôi tự tin mình sẽ có một vụ mùa bội thu trong năm nay", Jiang Deying, nông dân huyện Bảo Khánh, Hắc Long Giang, cho biết.
He Peixiong, Giám đốc bộ phận nông nghiệp của Hongwei Farm ở tỉnh Hắc Long Giang cho biết, việc sử dụng nền tảng nông nghiệp thông minh được hỗ trợ bởi hệ thống giám sát có thể tăng năng suất lúa khoảng 5% đồng thời giảm sử dụng phân bón khoảng 7%.
Tại huyện Trường Phong, tỉnh An Huy, một nhóm các nhà nghiên cứu rảo bước ngang dọc trên các đồng lúa mỳ. Họ cầm một thiết bị giống gậy tự sướng để tìm kiếm sâu bệnh. Việc xác định sớm và kiểm soát sâu bệnh là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển của cây trồng. Các nhà khoa học nông nghiệp đã phát triển công cụ nhận dạng dịch hại để giúp nông dân xử lý sâu bệnh chính xác hơn.
Một camera được lắp trên đầu của thiết bị để ghi lại hình ảnh của sâu bệnh và điều kiện phát triển của thực vật. Cùng với đó, các cảm biến ghi lại nhiệt độ và độ ẩm theo thời gian thực của hiện trường. Tất cả dữ liệu được tải lên và xử lý trong máy chủ, để đánh giá thiệt hại tiềm ẩn từ dịch hại và đưa ra các giải pháp cho nông dân.
"Chúng tôi đã phát triển phần mềm nhận dạng dịch hại để phân tích hình ảnh mà thiết bị chụp trên cánh đồng và sau đó cho nông dân biết họ phải đối phó với loại sâu bệnh nào", Du Jianming, nhà nghiên cứu của Viện Máy thông minh, Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết.
Sau 9 năm thu thập dữ liệu, hơn một triệu bức ảnh về các loại sâu bệnh hại cây trồng khác nhau đã được chụp lại. Công cụ có thể được áp dụng trong các lĩnh vực cây trồng khác nhau bao gồm lúa mì, gạo, ngô và đậu tương, với tỷ lệ chính xác lên đến 85%. Cho đến nay, nó đã được áp dụng ở hơn 10 tỉnh, theo viện này.
Trong một nỗ lực để xác định các giống lúa lý tưởng cho Hắc Long Giang, một nhóm nghiên cứu do Nie Shoujun đứng đầu, từ Học viện Khoa học Nông nghiệp Hắc Long Giang, đã tiến hành một loạt thí nghiệm. Sau nhiều năm nỗ lực, một số giống chất lượng cao có năng suất cao và khả năng chống chịu bệnh tật tốt hơn đã được trồng. "Việc trồng các giống chất lượng cao với sở hữu trí tuệ độc lập có thể giúp nâng cao khả năng cạnh tranh nông nghiệp của Trung Quốc, để đảm bảo an ninh lương thực", bà Nie nói.
Khi đại dịch tiếp tục hoành hành thế giới, nhiều quốc gia đã hạn chế xuất khẩu ngũ cốc, khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu gặp rủi ro lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc đã gặt hái một mùa bội thu năm ngoái, bất chấp đại dịch, bão lụt và hạn hán, với sản lượng ngũ cốc 669,5 triệu tấn. Đất nước này đã cho thấy khả năng nuôi sống dân số và chống lại các mối đe dọa đối với sản xuất ngũ cốc.
Năm nay đánh dấu sự khởi đầu của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (2021-2025). Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc kêu gọi tất cả tỉnh duy trì hoặc tăng diện tích trồng trọt để đảm bảo tổng sản lượng ngũ cốc của cả nước luôn ở mức trên 650 triệu tấn mỗi năm.
Tỉnh Hắc Long Giang có kế hoạch trồng thêm 100.000 ha diện tích trồng trọt trong năm nay. Li Guoxiang cho biết Trung Quốc đã đạt được một vụ mùa bội thu trong 17 năm liên tiếp, với sản lượng ngũ cốc hàng năm vượt 650 triệu tấn trong sáu năm liên tiếp, thúc đẩy sự tự tin của nước này trong việc chống lại đại dịch và phát triển nền kinh tế.
Phiên An (theo Xinhua)