Giữa buổi sáng một ngày tháng 4, ông Dũng, 56 tuổi, ở xã Giao An, huyện Lang Chánh, vác chiếc thang tre đi về phía cuối vườn cau sau nhà và dừng chân ở cây cau cao chừng 20 m, bên trên có buồng quả đã chín đều, vàng ruộm. Ông tính hái vài buồng về làm cây giống.
Bắc thang lên lưng chừng thân cau, ông cột sợi dây bảo hiểm quanh người rồi vươn chiếc sào dài giật buồng cau xuống. Vốn quen nghề trèo cau nhiều năm nên từng động tác của ông Dũng thành thục, gọn gàng. Chỉ mất 10 phút, ông đã đưa buồng cau xuống đất mà không rơi rụng hay hư hỏng quả nào.
"Trèo cau không quá khó song cần thận trọng, nếu ngã xuống có thể gãy chân tay, vỡ đầu như chơi. Ngày mưa dễ trơn trượt, không leo được...", ông Dũng chia sẻ.
Xách buồng cau trĩu quả vào sân, ông Dũng vặt từng quả sau đó đem phơi cho được nắng trước khi ngâm ủ, tạo mầm giống, lên bầu... Mỗi cây cau non 4 tháng tuổi, ông bán tại vườn 25.000 đồng, sản xuất không kịp trả đơn đặt hàng.
Gia đình ông Dũng có hơn 10 ha đất vườn và đất lâm nghiệp. Trước đây khu vườn được trồng cây dược liệu kết hợp trồng cỏ nuôi thả dê, bò song kém hiệu quả do không hợp thổ nhưỡng, giá bán bấp bênh. Lợi nhuận thu được hàng năm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống cho 6 miệng ăn trong nhà. Tiền cho hai con học đại học nhiều khi còn phải chật vật, phải vay mượn.
Năm 2006, tình cờ nhận thấy cây cau có thể mang lại hiệu quả kinh tế, bền vững, ông bắt đầu tìm hiểu và quyết định trồng thử 1.200 cây giống trên 10 sào. 5 năm sau, lứa cau đầu tiên cho thu hoạch, giá bán đôi lúc bấp bênh do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, song hầu như không năm nào bị ế hàng.
Từ đó, ông Dũng quyết định chuyển hẳn sang nghề trồng cau. "Cây cau sức sống mãnh liệt, chịu được khô hạn và không mất nhiều công chăm sóc nên phù hợp với đồi núi, khí hậu mưa nắng thất thường ở Giao An", ông phân tích.
Hiện gia đình ông Dũng có 5 ha cau với khoảng 13.000 cây. Trong đó, 600 cây đã cho thu hoạch, 2.000 cây khác chuẩn bị cho lứa quả đầu tiên. Bình quân một cây cau mỗi năm cho ông Dũng thu 5-7 buồng quả, trọng lượng 20-35 kg, cây sai hơn có thể thu được tới 40 kg.
Năm 2021, cau được giá, có thời điểm ông Dũng bán 85.000 đồng mỗi kg tại vườn. "Cau cứ già đến đâu là bán hết veo đến đó, thương lái xếp hàng hỏi mua...", ông Dũng nói, giọng phấn khởi. Riêng cau thương phẩm vụ vừa rồi, ông Dũng thu được khoảng 500 triệu đồng.
Loại cau của gia đình ông Dũng là giống bản địa, quả to, tròn và rất đều nên sau khi thu hái được xuất đi các thành phố lớn phục vụ đám cưới hỏi. Ngoài ra, ông Dũng cũng xuất khẩu đi Trung Quốc làm nguyên liệu chế biến kẹo cau.
Không chỉ bán cau thương phẩm, vài năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của người dân, ông còn để cau chín rồi ươm giống bán. "Làm giống hơi vất vả hơn nhưng bán lại được giá và cái chính là có thêm việc làm", ông Dũng nói và nhẩm tính, năm nay ông ươm 70.000 cây con, dự kiến thu thêm 500 triệu đồng.
Ngoài ra, ông còn bán hạt cau khô, bẹ cau để làm dược liệu. Tổng doanh thu vườn cau năm nay đạt gần một tỷ đồng. "Đây là khoản tiền trước đây có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến", ông nói.
Hiện mô hình trồng cau của ông Dũng tạo việc làm thời vụ cho khoảng 10 lao động địa phương với thu nhập trên dưới 200.000 đồng/ngày. Chỉ tay về vườn cau xanh mướt đều tăm tắp, ông Dũng còn lên kế hoạch tương lai sẽ mở khu du lịch sinh thái trên thửa đất rộng giáp bờ suối. Không chỉ thu nhập từ cây cau, ông Dũng còn trồng thêm chanh, bưởi, chè... và nuôi ong lấy mật.
Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho hay ông Dũng là hộ trồng cau nhiều nhất địa phương. Cơ quan chức năng của huyện vừa qua đã khảo sát đánh giá mô hình. "Nếu vài năm tới, cây cau cho giá trị kinh tế, thị trường ổn định, huyện có thể nhân rộng nhằm khai thác quỹ đất dôi dư, sản xuất kém hiệu quả trong các thôn bản để ổn định kinh tế vùng nông thôn", ông Tùng nói.