Sau 12 năm, anh Thái, 39 tuổi, trú thôn Khe Giao 1, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, luôn cảm thấy quyết định khi xưa là sáng suốt, giúp cuộc sống gia đình khấm khá.
Được bố là cán bộ lâm nghiệp truyền đạt kỹ thuật chăm sóc cây, từ nhỏ anh Thái đam mê tìm hiểu, quan sát quá trình sinh trưởng của các loại cây ăn quả như cam, bưởi, chanh, quýt... trong vườn. Cuối lớp 9, thay vì nộp hồ sơ lên cấp ba để sau này thi đại học, Thái quyết định không học tiếp. Anh ở nhà cùng bố - lúc này đã về hưu - phát triển trang trại cây ăn quả.
Kết hôn với chị Trần Thị Vui năm 2007, vợ chồng trẻ được bên nội giao cho 6 ha đất đồi ở thôn Khe Giao 1 lập nghiệp. Ban đầu vốn không có, hai người tự phát quang bụi rậm, đào hố trồng cây. Ròng rã suốt hai năm, khi chuẩn bị xong gần một ha mặt bằng, họ quyết định trồng cam bù và cam canh, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, nếu thành công lứa đầu sẽ cải tạo vườn làm đợt mới.

Anh Nguyễn Hữu Thái kể về cơ duyên đến về nghề kinh doanh cây giống. Ảnh: Đức Hùng
Đầu năm 2010, khi nhập cây cam giống ở vùng khác về trồng, nhiều hàng xóm đến chơi, trông thấy cây đẹp nên ngỏ ý mua lại. "Tôi vui vẻ bán cho họ, sau đó đặt mua lứa cây khác về trồng. Tuy nhiên, trong đầu lúc này chợt nghĩ, tại sao mình không làm giàu từ kinh doanh các loại cây giống", anh Thái kể.
Ý tưởng được chị Vui ủng hộ. Đi tìm hiểu thị trường, thấy trong huyện từ trước đến nay chưa ai làm việc này, vợ chồng như được tiếp thêm động lực. Anh Thái vay hơn 40 triệu đồng mua 2.000 cây giống, chủ yếu là mít Thái, bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù về mở vườn ươm rộng hàng trăm mét vuông trong trại để làm thử.
Thời gian đầu, cây giống tại vườn ươm được người dân trong vùng đến mua gần hết. Anh Thái nhờ đó có vốn, tiếp tục đầu tư, mua thêm cây giống về chăm sóc để bán. Tuy nhiên, được khoảng nửa năm thì vận xui ập đến.
Tháng 6/2010, bão đổ bộ huyện Thạch Hà gây mưa lớn, ngập lụt diện rộng. Cây giống trồng trong vườn ươm ngập sâu, gãy đổ, hư hỏng. Ngoài ra, một ha cam gần đến kỳ thu hoạch cũng bị úng nước, rụng quả. Gia đình thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Chị Vui suy sụp, khuyên chồng "hay là chuyển nghề". Anh Thái đáp: "Bây giờ biết làm việc gì cho phù hợp đây. Vườn cây là hy vọng của gia đình, thất bại lần này chỉ là lỗi kỹ thuật thôi, hãy cho anh thời gian để làm cho cho cây cối đẻ ra tiền". Người vợ nhìn vào ánh mắt quyết tâm của chồng thì gật đầu, nói: "Mình cố gắng tiếp vậy, mong trời không phụ lòng người".
Năm 2011 trở đi, anh Thái tiếp tục kinh doanh cây giống và làm trang trại trồng hoa quả. Nhiều đêm suy nghĩ, anh cho rằng thất bại trước kia ngoài tác động của thời tiết thì phần lớn là do kỹ thuật chăm sóc còn non.

Cây giống được chăm sóc tại vườn ươm rộng 1.500 m2 của gia đình anh Thái. Ảnh: Đức Hùng
Anh Thái giải thích, cây giống ăn quả hư hỏng do bị ngập úng rễ và mưa axit. Trước đó nếu nâng nền của vườn ươm lên cao, khi nước tràn vào cần khơi thông rãnh thật nhanh. Ngoài ra, việc phun thêm ít thuốc bảo vật thực vật hỗ trợ cũng giúp giảm thiểu thiệt hại cho cây giống và các cây ăn quả trong trang trại.
Xem thất bại kia là bài học kinh nghiệm quý báu, anh Thái hàng tháng đến nhiều cơ sở cây giống trong tỉnh học thêm về kỹ thuật chăm sóc, tham gia những cuộc đào tạo của Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh để tích lũy kiến thức, hạn chế rủi ro.
Từ năm 2012, việc kinh doanh cây giống gặp thuận lợi, giúp gia đình trả được hết nợ nần vay khi khởi nghiệp. Anh Thái đặt vấn đề thu mua bầu cây giống từ rất nhiều cơ sở ở miền Nam cũng như ngoài Bắc, sau đó đưa về chăm sóc theo kỹ thuật, thổ nhưỡng tại Hà Tĩnh, khoảng một đến hai tháng sẽ xuất bán một lứa.
Hiện vợ chồng anh Thái sở hữu vườn ươm rộng 1.500 m2, với hệ thống mái che, vòi tưới nước hiện đại, đang chăm sóc hơn 500 loại cây giống ăn quả đặc sản của mọi miền như cam, chanh, bưởi, ổi, na, hồng xiêm, măng cụt, lựu..., giá mỗi cây 20.000-30.000 đồng tùy loại. Mỗi năm cơ sở bán ra thị trường hơn 200.000 bầu giống, sau khi trừ chi phí chăm sóc, nhân công... lời khoảng 800 triệu đồng.
Ngoài ra, trang trại tổng hợp rộng hơn 6 ha, trồng 1.000 gốc cam chanh, 100 gốc hồng vuông, 100 gốc bưởi Phúc Trạch... cũng cho tổng thu nhập khoảng 300 triệu mỗi năm. Vườn ươm cây giống và trang trại tạo việc làm cho hai lao động thường xuyên và 10 người làm thời vụ, với mức lương 6-7 triệu đồng mỗi tháng.

Đối tác đến cơ sở của anh Thái mua cây giống ăn quả về trồng. Ảnh: Đức Hùng
Năm 2017, vườn cây giống và hệ thống cây ăn quả trong trang trại, chủ yếu là cam chanh và bưởi Phúc Trạch, được chăm sóc, trồng theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ tiêu chuẩn VietGAP, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Anh Thái chia sẻ từng lo về thị trường, bởi vườn ươm nằm ở vùng đồi núi, ít người biết đến. Vốn ít, anh chú trọng đến chất lượng sản phẩm, luôn làm cho cây tươi tốt để cạnh tranh với đối tác. Hiện cây giống được chăm sóc tại cơ sở anh Thái đã có chỗ đứng, được bán đi nhiều tỉnh thành.
"Nhiều người khi đến mua cây giống và hoa quả tại trang trại đã yêu thích, giới thiệu cho bạn bè đến ủng hộ. Có người vượt hàng trăm km về Hà Tĩnh tìm hiểu, song lạc đường phải gọi điện cho tôi nhờ hỗ trợ", anh Thái nói.
Vợ chồng anh Thái có 3 người con, đứa lớn 10 tuổi, hai con sau 3-5 tuổi. Gia đình kinh tế khá, có tích lũy, trong nhà sắm được nhiều vật dụng đắt tiền.
Nhận danh hiệu Nông dân xuất sắc năm 2022 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hồi giữa tháng 10, anh Thái nói rất xúc động, thấy có thêm động lực để hoàn thiện bản thân. Anh dự định thuê thêm đất để mở rộng vườn ươm, ngoài phát triển kinh tế cho gia đình còn tạo thêm việc làm cho người dân.