“Chúng tôi không mong muốn điều này”, “Bao nhiêu cuộc họp chỉ đổ sông đổ biển”, “Sẽ gặp nhau tại tòa”… tiếng thở dài ngao ngán, thất vọng được các đại diện nông dân TP HCM thốt lên.
“Ban đầu Vedan đồng ý mức 7 tỷ đồng, trong đó chỉ chịu hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng, số tiền còn lại công ty này nói là để giữ mối quan hệ với địa phương, cuộc họp ngày 20/7 nâng lên thành hơn 12 tỷ đồng, hôm nay thêm 4 tỷ. Tôi thấy đây là mặc cả chứ không thể hiện tinh thần trách nhiệm. Chúng tôi quyết định tập hợp đơn, chứng từ để nộp lên tòa, mọi tranh cãi sẽ giải quyết tại tòa”, ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội nông dân TP HCM tuyên bố.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện TP HCM cho biết: “Những việc này buộc chúng tôi phải hành xử theo pháp luật, chúng tôi sẽ khởi kiện Vedan ra tòa, con số đưa lên tòa án yêu cầu công ty này bồi thường là 107 tỷ đồng (chứ không phải 45,7 tỷ đồng như đề nghị của Viện Môi trường)”.
Theo luật sư Hậu, còn những tài liệu chứng minh rất rõ thiệt hại của người dân do Vedan gây ra chưa được công bố, và đây sẽ là những bằng chứng tại tòa. Vị luật sư này khẳng định rất tự tin vào khả năng đòi được công bằng cho nông dân TP HCM.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội nông dân TP HCM cho biết sẽ kiện Vedan ra toà vào cuối tháng này. Ảnh: Kiên Cường |
Tại cuộc họp, Vedan bắt đầu phần phát biểu bằng những chứng minh thiệt hại do phía mình tính toán. Dựa vào những số liệu mật độ đánh bắt cá ở sông Hồng là 5,2 tấn, sông Mekong là gần 5 tấn trên một km2, Vedan cho rằng mức 77 tấn cá trên một km2 của sông Thị Vải mà huyện Cần Giờ đưa ra là vô lý.
Công ty này yêu cầu xem xét lại diện tích vùng ảnh hưởng dù điều này đã được Viện Môi trường Tài nguyên chứng minh là hơn 21.000 ha trong suốt 2 năm qua.
“Dựa vào những tính toán của mình, chúng tôi chỉ có thể thương lượng trong mức 15-16 tỷ đồng, tối đa là 20 tỷ đồng”, ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc Vedan Việt Nam khẳng định.
Lập tức, ông Đoàn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ đứng dậy phản bác lập luận của Vedan: “Đề nghị Vedan nghiên cứu số liệu sản lượng đánh bắt ở Cần Giờ trong 5 năm gần đây vì đó là số liệu pháp lý đã được Tỗng cục thống kê công nhận"
Ngoài ra, theo ông Sơn, từ 2007 đến 2010, 2 năm đầu nằm trong thời gian Vedan xả thải trực tiếp vào sông Thị Vải và 2 năm ngưng xả, trung bình người dân đánh bắt 4.000 tấn một năm. Nếu theo cách tính của Vedan thì mật độ đánh bắt ít nhất cũng trên 30 tấn một km2 chứ không phải mức như sông Hồng hay Mekong”.
Khi cuộc tranh cãi dần đi đến lối mòn như những lần trước, ông Phụng đứng lên yêu cầu Vedan phải đưa ra con số cuối cùng. Phía công ty này yêu cầu được hội ý nội bộ.
20 phút sau cả phòng họp im lặng lắng nghe tuyên bố của Vedan: 16 tỷ đồng và 1 tuần nữa sẽ báo cáo với UBND TP HCM.
“Chúng ta sẽ gặp nhau tại tòa án huyện Cần Giờ”, ông Phụng nói chắc sau tuyên bố trên.
Trả lời về quyết định của Hội nông dân tỉnh Đồng Nai khi không khởi kiện mà thương lượng với Vedan, ông Trần Văn Làm, Ủy viên ban thường vụ Hội nông dân Việt Nam, phụ trách 19 tỉnh phía Nam cho rằng Hội nông dân Đồng Nai làm việc theo chỉ đạo của tỉnh.
“Công việc của Hội nông dân Đồng Nai rất chậm chạp, Ủy ban cũng chưa kiểm tra đôn đốc, trách nhiệm đối với nông dân thuộc về chính quyền của UBND tỉnh Đồng Nai”, ông Làm phân tích. Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến ngày 25/7 sẽ đưa đơn ra tòa
Công ty bột ngọt Vean bị phát hiện xả thẳng chất độc hại ra sông Thị Vải vào tháng 9/2008, cho đến nay chưa bồi thường gì cho người dân bị ảnh hưởng.
Kiên Cường