Ông Phạm Văn Bình có hai ha mía sắp thu hoạch đã bị đám cháy ở ruộng bên cạnh lan sang. Tiết trời hanh khô nên ngọn lửa không thể dập tắt. Đám mía bị cháy xác xơ, thân bám đầy muội than, mất trữ lượng đường buộc ông phải bán giá thấp cho đơn vị thu mua.
![Xe múc gom mía cháy lên xe tải chở về nhà máy. Ảnh: Ngọc Oanh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/02/05/mia-chay-1-9611-1675426034-167-8161-9085-1675567739.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e5zH9T5egEg3e99h5W_qjQ)
Xe múc gom mía cháy lên xe tải chở về nhà máy. Ảnh: Ngọc Oanh
Cạnh đó, diện tích mía rộng một ha mía của ông Ksor Bon cũng bị cháy, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Bao nhiêu công sức suốt năm của cả gia đình dồn cho mía coi như mất trắng. Mía cháy để khô, nếu bán chỉ bằng một nửa so với mía thường. Ông Bon và nhiều hộ khác đều mong muốn nhà máy đường ưu tiên thu mua nhanh chóng để vớt vát lại đồng vốn.
Xã Ia Piar có hơn 300 ha trồng mía là nguồn sinh kế chính của người dân địa phương. Liên tục vào các ngày 10, 26 và 30/1, cánh đồng xảy ra cháy, thiêu rụi hơn 40 ha mía. Hiện, nhà máy thu mua trung bình 1.050 đồng/kg (mía tươi). Nếu mía lẫn tạp chất hay bị cháy, giá sẽ thấp hơn.
Ông Chu Song Thương, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Ia Piar, cho biết các vụ cháy xuất phát từ việc người dân đưa củi ra đồng đốt, khi xảy ra cháy, gió lớn nên lan diện rộng. Chính quyền nhiều lần yêu cầu nông dân hạn chế đốt củi ngoài đồng, làm các đường ranh cản lửa, nhưng một số vụ cháy vẫn xảy ra. Địa phương đang thống kê thiệt hại để có hướng hỗ trợ nông dân.
Trần Hóa