Đầu tháng 7, trên cánh đồng ở thôn Hòa Bình, xã Tam Thái, anh Trần Thanh Dưỡng cùng sáu người thu hoạch 2 sào (1.000 m2) sâm Bố Chính. Trên ruộng, cây sâm bắt đầu lụi tàn ngả sang màu vàng. Công việc được phân công cho từng thành viên, người bới củ, rũ đất, người gom vào rổ, rồi bốc lên xe chở đi bán.
Đây chưa phải thời điểm vàng song lo trời mưa gặp nắng nóng, củ sâm sẽ bị thối nên nông dân thu hoạch để tránh thiệt hại. Theo anh Dưỡng, khoảng một tháng nữa mới chính vụ thu sâm.
Sâm Bố Chính còn gọi là sâm thổ hào, sâm núi thuộc họ cẩm quỳ, tên khoa học Abelmoschus sagittifolius. Trước đây, sâm mọc trong tự nhiên, phân bố chính từ bắc đèo Ngang đến Phú Yên. Theo y học cổ truyền, sâm Bố Chính có vị ngọt, hơi nhớt, tính bình, được dùng bồi bổ sức khỏe và chữa một số bệnh như lao phổi, hen suyễn, ho, sốt, thiếu máu... Sâm từng là sản vật dùng để tiến vua.
Mùa trước, mảnh ruộng được anh Dưỡng trồng dưa hấu và luân canh nhiều loại hoa màu, doanh thu cao nhất 10 triệu đồng mỗi sào. Đầu năm 2023, anh được hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đại Phát liên kết trồng sâm Bố Chính. Ngoài anh Dưỡng, bốn hộ dân khác tham gia với tổng diện tích 12 sào.
Trước khi canh tác, anh Dưỡng được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Trên 2 sào, anh cày đất phân luống trồng sâm bằng phương pháp lót bạt. Sau khi gieo hạt, hơn 4.000 cây phát triển tốt và có thể thu hoạch sau 6 tháng. Năng suất đạt hơn 800 kg củ. Củ to có giá 110.000 đồng, nhỏ giá 70.000-80.000 đồng một kg. Chi phí anh Dưỡng đầu tư cho phân bón, giống, bạt nylon, thuốc trừ sâu, hết khoảng 12 triệu đồng.
Người nông dân 37 tuổi tính toán, với diện tích trên, anh thu về khoảng 75 triệu đồng. So với trồng dưa hấu, lợi nhuận đem lại gấp 3-4 lần, trong khi thời gian chăm sóc lại ít hơn.
Cách ruộng anh Dưỡng khoảng 100 m, gia đình ông Hồ Văn Lợi, 54 tuổi, cũng đang thu hoạch 2 sào sâm. Ông nói trồng cây sâm không quá khó song cần chú ý một số công đoạn chăm sóc. Giai đoạn đầu cỏ mọc nhanh hơn cây sâm nên phải thường xuyên dọn sạch.
Khi cây sinh trưởng, củ sâm chứa nhiều đạm nên không được để nhiều nước trong ruộng, tránh làm hỏng củ. Sâm cũng thường bị nấm gây thối cổ rễ nhưng hiện chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc trị nên nông dân phải bón thêm vôi bột từ khi làm đất.
Trồng sâm Bố Chính, ông Lợi không chỉ hoạch củ mà hoa, lá, cành cũng được tận dụng, đem lại lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Hoa sâm có màu hồng, đỏ, lá dài 6-7 cm, rộng 30 mm, hình bầu dục, có thể dùng chế biến trà.
"Sản phẩm làm ra được hợp tác xã thu mua nên chúng tôi không lo lắng đầu ra. Năm tới, tôi mở rộng thêm diện tích trồng vì loại cây ít công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác", ông Lợi nói.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đại Phát, ông Nguyễn Xuân Tin cho biết từng đi tham quan nhiều nơi trồng sâm Bố Chính thì phát hiện thổ nhưỡng cũng giống quê mình. Hợp tác xã đầu tư giống, phân bón, bạt nylon cho người dân trồng thử nghiệm; ký kết với một doanh nghiệp dược liệu bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Tin, số sâm thu mua về ngoài bán tươi còn được phơi khô để bán dược liệu. Sâm phơi ba nắng lớn, khoảng 6 kg sâm tươi sẽ cho một kg sâm khô. Ngoài củ, hợp tác xã đang mua sắm máy móc để chế biến hoa, lá thành trà và đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Ninh Trịnh Ngọc An cho biết đây là vụ đầu tiên người dân xã Tam Thái trồng sâm Bố Chính nhưng hiệu quả kinh tế cao. Sâm phù hợp với vùng đất của địa phương, đạt năng suất tốt, tăng thu nhập cho người dân.
"Phòng khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất từng bước, không trồng ồ ạt để tránh cảnh được mùa mất giá", ông nói và cho biết đang xúc tiến sản phẩm OCOP trà từ sâm Bố Chính cho hợp tác xã Đại Phát.