Khoảng một tháng nay, tại mỗi huyện ở Phú Yên đều có hàng chục điểm thu mua cây sắn. Ông Nguyễn Thanh Hòa (ở xã Xuân Quang 3, Đồng Xuân) cho biết: “Chặt 20 cây gom thành một bó, bán được 6.000 đồng. Tui tranh thủ kiếm mỗi ngày 150.000 - 200.000 đồng, vợ tui cũng đi chặt cây sắn. Người mua gom nói là để bán sang Trung Quốc”.
Tại xã Sơn Thành (Tây Hòa), cây sắn bị thương lái săn ráo riết nên khan hiếm, đến cả cây mới lớn cũng được mua. Điều này khiến tình trạng thiếu hụt nguồn giống cây sắn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Khi giá tăng cao tạo điều kiện cho nhiều nông dân kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên cũng khiến cho nhiều diện tích sắn trồng trước đó bị nắng hạn nay thiếu giống để trồng giặm…
Khoảng 2 năm trước, việc thương lái lùng mua cây sắn cũng đã diễn ra ở Phú Yên, thế nhưng sau đó nhiều hộ nông dân gom sắn chất đầy vườn nhà nhưng đầu nậu… chẳng thấy đâu. Một lái xe tải ở huyện Sơn Hòa cho biết cây sắn được mua để chở thẳng lên Gia Lai bán lại cho các thương lái đặt hàng, rồi họ bán đi đâu thì không rõ. Một số thương lái thì cho rằng cây sắn được chở vào các tỉnh phía Nam bán cho lại cho khách hàng đặt sẵn...
Hiện nay các vùng trồng sắn ở Phú Yên đang bị bệnh chổi rồng, nhện đỏ... lây truyền nhanh qua đường vận chuyển hom giống. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân cho biết năm 2011, đơn vị đã có công văn gửi các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân không nên nhất thời chạy theo lợi nhuận trước mắt mà quên đi yếu tố sản xuất lâu dài vì dễ dẫn đến nguy cơ thiếu giống sắn trầm trọng.
(Theo Dân Việt)