Nhóm nông dân Pháp bắt đầu chặn các tuyến cao tốc vào đầu giờ chiều 29/1, từ cao tốc A13 ở phía tây thủ đô và cao tốc A4 ở phía đông. Đến giữa chiều, họ đã đạt được mục tiêu là tạo 8 nút chặn trên các tuyến đường lớn vào Paris, theo dịch vụ theo dõi giao thông Sytadin.
"Chúng tôi cần câu trả lời", Karine Duc, một nông dân tham gia biểu tình trong đoàn xe máy kéo đang di chuyển từ vùng Lot-et-Garonne về thủ đô Paris, nói. Nông dân Pháp đang nổi giận với chính phủ về các khoản phí, thủ tục quan liêu, quy định bảo vệ môi trường cùng sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu Ukraine.
Duc gọi cuộc biểu tình này là "trận chiến cuối cùng của ngành nông nghiệp" và là "vấn đề sống còn". Đoàn xe máy kéo của Karine Duc treo biểu ngữ "Chúng tôi sẽ không chết trong im lặng".
Để đối phó, chính phủ Pháp đã ra lệnh triển khai 15.000 cảnh sát và cảnh binh sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin đề nghị lực lượng an ninh kiềm chế, nhưng cũng cảnh báo nông dân không xông vào các địa điểm quan trọng.
"Chúng tôi không cho phép các hành vi tấn công những tòa nhà chính phủ, cơ quan thuế, siêu thị hay hành vi chặn các xe tải vận chuyển nông sản nước ngoài. Rõ ràng đó là điều không thể chấp nhận", ông Darmanin nói.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp cũng cảnh báo người biểu tình không được gây gián đoạn tới các sân bay Charles de Gaulle và Orly của Paris cũng như không gây rối ở chợ bán buôn thực phẩm quốc tế Rungis tại phía nam thủ đô. Xe cảnh sát bọc thép đã được điều tới chợ Rungis sau khi một vài nông dân dọa chiếm khu này.
Tổng thống Emmanuel Macron đã triệu tập cuộc họp với một số bộ trưởng vào chiều cùng ngày để thảo luận về tình hình.
Những tuần gần đây nông dân các nước Bỉ, Đức, Ba Lan, Romania và Hà Lan cũng tổ chức các cuộc biểu tình ngày càng quyết liệt hơn.
Ngọc Ánh (Theo AFP)