Theo The Wall Street Journal, đồng đôla Mỹ mạnh lên khiến doanh thu xuất khẩu nông sản quốc gia này giảm khoảng một tỷ USD trong năm 2016, còn nhập khẩu tăng đến 7 tỷ USD. Nguồn cung hàng hóa nhập khẩu dư thừa gây áp lực lên giá bán các loại lương thực và cây trồng nội địa, làm cho thu nhập nông dân xuống mức thấp nhất kể từ 8 năm qua.
Nhìn chung, giá thực phẩm năm 2016 giảm do nguồn cung trong nước tăng lên rất nhiều. So với năm trước, giá bán lẻ trứng giảm 21,1%, thịt bò và bê mất 6,3%, thịt lợn giảm 4,1%, còn sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa rớt giá 2,3%. Vì thế nông dân chuyển sang giao dịch trên Internet để tối ưu hóa sản xuất và phân phối sản phẩm, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Trung tâm nghiên cứu Pew Research Center cho rằng xu hướng này được thúc đẩy một phần nhờ vào dịch vụ Internet băng thông rộng đã phát triển sâu rộng đến nhiều vùng nông thôn Mỹ. Năm 2007, chỉ có một phần ba người dân sống ở vùng nông thôn có thể tiếp cận Internet tốc độ cao trong khi ở thành thị, tỷ lệ này lên đến một nửa số dân. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11/2016, 63% dân số nông thôn đã dùng Internet so với 73% người dân ở các thành phố.
Nhiều doanh nghiệp cũng nhanh chóng hỗ trợ người dân tìm hiểu thông tin và giao dịch sản phẩm qua mạng. Đơn cử Farmer Business Network - nhà cung cấp vật tư nông nghiệp trực tuyến do Google Ventures hỗ trợ, đã tung ra dịch vụ hỗ trợ nông dân theo dõi giá các doanh nghiệp cung cấp trên toàn quốc. Nhờ đó người dân có thể so sánh và biết giá của nhà cung cấp ở vùng này nhiều khi cao gấp 4 lần một doanh nghiệp ở vùng khác, từ đó đưa ra lựa chọn kinh tế nhất.
Farmer Business Network xây dựng hệ thống 9 kho tại 8 bang để giao hàng trực tiếp đến tận nhà cho những nông dân đặt hàng qua mạng. Công ty sử dụng dịch vụ của các công ty vận tải đường bộ như FedEx Freight nên đảm bảo thời gian giao hàng nhanh chóng với số lượng có thể lên đến gần 2 tấn cho mỗi đơn hàng.
Minh Trí