Ba giờ sáng, anh Lê Văn Hậu (35 tuổi, quê Đồng Tháp) cùng vợ và hai con nhỏ bật bóng đèn được câu từ ắc quy trên chiếc ghe nhỏ nổi lửa nấu cơm, rồi chóng ghe đi thăm lú (một loại ngư cụ bằng lưới với nhiều cửa có thể bắt nhiều loại cá). Anh Hậu là dân đặt lú chuyên nghiệp đã 8 năm, do không có ruộng đất ở quê, mùa khô vợ chồng đi làm thuê, còn mùa lũ họ đóng cửa nhà chạy ghe gần 100 cây số đến Mộc Hóa (Long An) đặt cá.
Một tháng trước, nghe tin lũ có thể không về, anh Hậu bàn với vợ bỏ nghề, hai vợ chồng gửi con cho ông bà trông, vào xí nghiệp làm việc. "Hiện mực nước trên ruộng chỗ sâu nhất gần 1,5 mét, còn 1-2 tấc là bằng năm ngoái. Cá tôm ít nhưng có còn hơn không", anh Hậu nói. Khi anh kéo các túi lú lên ghe, vợ ngồi bên cạnh dùng thau hứng, mỗi cái chỉ có vài con cá chạch, cá linh, rô non, cua...
"Mình lựa ra từng loại để bán, cá chạch 100 nghìn đồng, cua 40 nghìn đồng, cá tạp bán cho dân nuôi cá lóc 5 nghìn mỗi ký", vợ anh Hậu nói và cho biết, năm nay bình quân mỗi ngày vợ chồng bắt được khoảng 10 kg cua, cá, bằng phân nửa so với năm trước, thu nhập khoảng 300.000 - 400.000 đồng.
Chạy xe dọc các tuyến đường vùng Đồng Tháp Mười, dưới ruộng nước đã "nhảy" khỏi bờ. Đâu đâu cũng thấy cảnh người dân tất bật mưu sinh với đủ kiểu đánh bắt thủy sản như thả lưới, cắm câu, đặt dớn, lợp... Với người dân, công việc tuy vất vả, thường bắt đầu từ giữa khuya đến trưa hôm sau, nhưng đổi lại, họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nếu lũ "đẹp" thì sau mỗi mùa nước, một người kiếm được vài chục triệu đồng.
Tại các chợ ở huyện đầu nguồn Tân Hưng, Vĩnh Hưng, hiện lượng cá đồng mùa lũ giảm khoảng phân nửa so với mọi năm. Lượng cá ít nên giá tăng khoảng 30%. Cá lóc, cá trê 100.000 - 120.000 đồng mỗi ký, cá lăng 50.000 - 70.000 đồng một ký. Riêng cá linh dù đang đỉnh lũ, nhưng cũng rất khan hiếm, được bày bán với giá khoảng 150.000 đồng mỗi ký.
Bốn giờ khuya, anh Trần Kim Khôi (44 tuổi) dùng đèn pin đội đầu chống xuồng đi thăm lưới cá tại cánh đồng lũ huyện Mộc Hóa. Không có đất đai, hai con lớn học lớp 9, đứa nhỏ vừa vào mẫu giáo, mỗi mùa lũ anh Khôi tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ con nước nuôi cá lóc bè.
Với 2.000 mét lưới, chiều hôm trước giăng, khuya hôm sau cuốn về gỡ cá, một ngày anh kiếm khoảng 10 - 20 kg cá các loại. "Cá tươi loại lớn mình lựa ra, bán ngày kiếm 50 đến 100 nghìn đồng, còn lại xay nhuyễn làm mồi cho cá lóc, tiết kiệm chi phí mua thức ăn", anh nói.
Tháng 10, dọc kênh 79 (Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng) có hàng trăm lồng nuôi cá lóc của người dân. Họ cho biết, đây là nghề chỉ sống được khi có lũ về, mang theo tôm cá.
Bưng thau cá vừa xay nhuyễn quăng vào lồng cho cá ăn, ông Trần Ngọc Trầm (53 tuổi) cho biết, vụ này, ông có gần 6.000 con cá lóc loại 3 tháng tuổi, nếu thức ăn đầy đủ, khoảng hai tháng nửa sẽ xuất bán. "Mỗi ngày, phải tốn khoảng 100 kg cá mồi, nên tôi phải giăng thêm 4.000 m lưới để kiếm cá thêm", ông nói. Bình quân, một vụ nuôi kéo dài 6 tháng, với giá cá 40.000 - 45.000 đồng mỗi ký, trừ chi phí ông Trầm thu lãi khoảng 60 triệu đồng.
Lũ không chỉ mang về tôm cá, sáng sớm, cánh đồng ngập nước rộng hơn hai ha tại Tân Lập (Mộc Hóa) đã có gần 20 người khom lưng nhổ hẹ. Ông Trương Công Lộc (63 tuổi, người địa phương) cho biết, tranh thủ ba tháng nước nổi, ông cùng vợ và đứa cháu lội ruộng nhổ hẹ thuê cho chủ ruộng với giá 6.000 đồng mỗi ký. Một người nhổ 30 - 50 kg một ngày, kiếm 250.000 đồng.
Ngoài hẹ nước, cà na, bông súng, điên điển mùa lũ cũng được nhiều người dân tìm hái, sau đó bày bán dọc quốc lộ, kiếm thêm thu nhập những ngày nước nổi.
Ông Phạm Thanh Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng cho biết, toàn huyện có hơn 40.000 ha lúa hè thu hiện đã thu hoạch xong, lũ ngập gần như toàn bộ cánh đồng, từ 0,5 m đến 1,5 m.
"Do lũ về muộn nên địa phương đã chủ động xả nước vào các cánh đồng, vừa đón phù sa cũng để người dân đánh bắt cá tôm. Lũ về sẽ rửa trôi mầm bệnh, đất màu mỡ giảm chi phí phân bón cho mùa sau", ông Hùng nói.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Long An, mực nước thượng nguồn sông Mekong những ngày tới sẽ xuống. Khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, mực nước lên 1-2 ngày đầu tháng 10 sau đó ít biến đổi và xuống dần.
Đến ngày 10/10, mực nước trên kênh Hồng Ngự tại Tân Hưng ở mức 2,45 m (thấp hơn cùng kỳ là 0,49 m), trên kênh 28 tại Vĩnh Hưng ở mức 2,40 m (thấp hơn cùng kỳ là 0,53 m), trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa (Kiến Tường) là 1,45 m (thấp hơn cùng kỳ là 0,45 m).
Ngày 4/10, UBND huyện Tịnh Biên (An Giang) xả lũ đập tràn Trà Sư, một trong hai đập tràn kiểm soát lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đưa lượng phù sa về hạ lưu của vùng Tứ giác Long Xuyên. Lúc xả lũ, mực nước bên ngoài đập là 3,28 m, chênh lệch với bên trong khoảng 1,1 m. Trong khi đó, mùa lũ năm ngoái, mực nước ngoài đập là 3,95 m, chênh lệch 1,5 m so với trong đập.
Chín ngày trước, tại cuộc họp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về tình trạng sạt lở, xâm mặn, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin, đỉnh lũ năm nay sẽ xuất hiện vào đầu tháng 10, ở mức trên báo động 1 khoảng 0,2 m, sau đó sẽ giảm nhanh.
Với tình hình mưa và dòng chảy sông Mekong hiện tại, sẽ xảy ra hạn hán, xập nhập mặn mùa khô ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn khả năng ảnh hưởng đến khoảng 100.000 ha lúa vụ Đông Xuân, khoảng 50.000 hộ dân sẽ bị thiếu nước, trong đó Long An, Tiền Giang, Bến Tre là các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng.
Hoàng Nam