Tiêu từng được xem là "vàng đen" của người dân xứ đất đỏ miền Đông. Những năm trước khi tiêu có giá, nhiều gia đình phất lên xây nhà lầu, mua ôtô, tuy nhiên hơn năm nay lại trở nên lao đao do giá tiêu chỉ dao động 53.000 - 60.000 đồng mỗi kg.
Khảo sát một số huyện có diện tích hồ tiêu lớn như Cẩm Mỹ, Xuân Lộc (Đồng Nai), Châu Đức, Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu)..., nơi đâu người trồng tiêu cũng kêu trời vì giá xuống thấp dù năng suất vẫn cao.
Vườn tiêu 5 sào của ông Hà Văn Oanh tại xã Hòa Hội dự kiến thu hoạch gần 4 tấn, tăng 15% so vụ trước, nhưng chủ vườn vẫn lo lắng. "Năm ngoái, tôi bán với giá 63.000 đồng một kg, lãi 100 triệu đồng nhưng với mức giá hiện nay, người trồng tiêu khá chật vật trong việc đầu tư các vụ tiếp theo", ông Oanh cho hay.
Vườn tiêu 2 hecta của ông Nguyễn Hoàng Phương (xã Bầu Chinh, huyện Châu Đức) từ chỗ lãi 500 triệu đồng mỗi vụ thì hai năm gần đây liên tục lỗ. Ông không đành lòng chặt bỏ nên phải cầm cự nhỏ giọt, huy động người trong nhà thu hoạch chứ không dám thuê ngoài.
Hai năm nay, nông dân ở Đồng Nai ồ ạt chặt bỏ tiêu để chuyển đổi cây trồng, phần vì giá thấp, phần cây tiêu thường mắc bệnh: thán thư, bệnh chết chậm, chết nhanh... trong những mùa mưa.
"Mất giá, thời tiết còn không thuận lợi khiến năng suất không bao nhiêu, trừ chi phí chăm sóc, nhân công, phân bón... chẳng có lời nên đành phải bỏ, chuyển qua trồng chuối", ông Nguyễn Văn Tám, ngụ xã Cây Gáo cho biết khi vừa chặt 5 sào tiêu.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc cho biết hiện giá tiêu tại Đồng Nai vào khoảng 56.000 đồng mỗi kg. Thời gian trước, có lúc giá nông sản này xuống tới mức 49.000 đồng một kg.
Theo ông Thắng, với tình hình khủng hoảng thừa của tiêu, giá tiêu sẽ khó tăng, chỉ đứng, thậm chí xuống nữa trong vòng 2 năm tới. "Hiện toàn hợp tác xã có 69 hecta tiêu, các xã viên vẫn chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh", ông Thắng nói.
Phước Tuấn - Nguyễn Khoa