Khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) được xây dựng trên diện tích trước đây là đất nông nghiệp. Ảnh: N.T. |
Tại Hà Nội, theo Hội nông dân, việc chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp tăng liên tục, tỷ lệ với số dự án được phê duyệt. Năm 2001 thành phố thu hồi 733 ha cho 159 dự án; năm 2002 lấy 1.003 ha cho 194 dự án; năm 2003 lấy 1.424 ha cho 260 dự án và năm vừa qua ước thu hồi 1.980 ha cho 280 dự án. Cùng với số đất bị thu hồi, tình trạng nông dân không có việc làm trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Bình quân mỗi năm có khoảng 13-15 nghìn lao động không có việc, phần lớn lại chưa qua đào tạo nghề.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có 16 khu công nghiệp với diện tích 3.270 ha và 1 khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị với diện tích 4.190 ha đang triển khai. Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bình Dương, nhận xét, phát triển công nghiệp và đô thị hoá đã góp phần làm cho kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn còn nhiều nông dân trở nên thất nghiệp. Sau khi ăn hết số tiền hỗ trợ thu hồi đất của Nhà nước, họ rơi vào nghèo đói.
Làm thế nào để tạo việc làm cho nông dân là vấn đề được Trung ương Hội nông dân đưa ra bàn thảo tại Hải Phòng cuối tháng 6 vừa qua. Giải pháp được đa số tỉnh thành áp dụng là tập trung đào tạo nghề cho lực lượng trẻ. Ví dụ Bình Dương đã khẩn trương đầu tư, hình thành 25 cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Trong các năm 2001-2004, có 57.820 nông dân được đào tạo nghề, trong đó trên 80% học viên ra trường vào làm việc tại các khu công nghiệp.
Một giải pháp đang được nhiều tỉnh thành triển khai là xuất khẩu lao động. Hải Dương đã hỗ trợ 50% học phí cho người học nghề, học giáo dục định hướng để đi lao động ở nước ngoài. Thành phố Cần Thơ do chưa có công ty xuất khẩu lao động riêng, đã liên kết với 4 công ty tại TP HCM trực tiếp đến tận các quận, huyện để tuyển dụng. Năm 2004 cả nước đã đưa 14.560 nông dân sang Malaysia, 37.140 người sang Đài Loan làm việc.
Với những lao động đã quá tuổi để đào tạo nghề và xuất khẩu lao động, một số tỉnh, thành như Hà Nội, Bình Dương, Nam Định khuyến khích họ chuyển sang các ngành dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, với nhiều hình thức tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Cờ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, quy định vay không quá 10 triệu đồng, lại yêu cầu bảo đảm tài sản thế chấp thì rất khó đối với nông dân. Ông Cờ đề nghị cần tăng mức vay lên 15 triệu đồng và quy định vay không phải bảo đảm bằng tài sản đối với những hộ làm kinh tế làng nghề.
Dù có một số mô hình tạo việc làm cho nông dân mất đất được ghi nhận, nhưng theo lãnh đạo Hội Nông dân và ngành Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương, số nông dân mất đất được tạo việc làm, sống được bằng nghề còn rất hạn chế. Trong khi đó đội ngũ nông dân thất nghiệp sẽ càng được bổ sung, do tốc độ đô thị hoá không ngừng tăng. Cần có một chương trình quốc gia để giải quyết vấn đề này, không thể để mạnh ai nấy làm.
Như Trang